1. Tính cấp thiết của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến, trả lời kiến nghị trong hoạt động xây dựng pháp luậtTrên phạm vi toàn cầu, phần lớn các quốc gia đang trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ công cũng như đảm bảo quyền cơ bản cho công dân của mình. Động lực chính đằng sau xu hướng này là mong muốn xây dựng một bộ máy nhà nước hiệu quả, công khai, minh bạch và tiết kiệm tối đa chi phí vận hành. Trong những năm gần đây, mô hình
“Chính phủ điện tử” đã có sự phát triển vượt bậc, cùng với việc ngày càng có nhiều dịch vụ công trực tuyến được cung cấp đến người dân, giúp giảm bớt chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là quá trình số hóa các công đoạn thu thập và xử lý thông tin, lấy ý kiến góp ý dường như chưa tạo ra những thay đổi căn bản trong quá trình ra quyết định hay xây dựng chính sách do còn nhiều rào cản về nguồn lực
[1].
Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc ứng dụng các thành tựu công nghệ 4.0 nhằm hiện đại hoá giai đoạn lấy ý kiến vẫn được xem là một trong những giải pháp, bước đi căn cơ, cốt lõi. Bởi vậy, việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Cơ sở dữ liệu véc-tơ (Vector Database), trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo và dữ liệu lớn (Big Data) vào quá trình rà soát, phân tích và hệ thống hóa các nguồn dữ liệu thông tin sẽ mang lại những đột phá đáng kể trong hoạt động lấy ý kiến nói riêng và trong các hoạt động xây dựng pháp luật nói chung. Đây không chỉ là các giải pháp công nghệ góp phần tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch, dễ tiếp cận, qua đó rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan nhà nước và công dân, mà còn có thể hỗ trợ xây dựng các hệ thống thông tin pháp luật thông minh, cung cấp cho các chuyên gia một công cụ hữu hiệu để tra cứu, so sánh và phân tích quy định pháp luật một cách nhanh chóng và chính xác.
Xây dựng nhà nước pháp quyền
“của dân, do dân và vì dân”, việc bảo đảm sự tham gia của người dân vào các hoạt động quản lý nhà nước đã và đang là chủ trương, mục tiêu lớn mà Đảng ta hướng đến. Trong đó, đối với hoạt động xây dựng pháp luật, việc thu thập và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của người dân là một trong những yêu cầu bắt buộc
[2] để đảm bảo tính dân chủ cũng như tính hiệu quả, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc tổng hợp và xử lý khối lượng lớn ý kiến góp ý dự án, dự thảo VBQPPL là thách thức đối với cơ quan chủ trì soạn thảo. Các ý kiến thường được gửi bằng bản giấy, hoặc gửi bản điện tử (bản PDF) dẫn đến việc phải đánh máy lại nội dung để tổng hợp vào báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến, mất rất nhiều thời gian, công sức của người soạn thảo. Thông thường, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật phải bố trí từ 2 đến 3 người tổng hợp thông tin, xây dựng báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến góp ý trong thời gian từ 10 đến 15 ngày. Việc tổng hợp ý kiến của các Đại biểu Quốc hội khi thảo luận tổ hay thảo luận tại Hội trường cũng là công việc đòi hỏi sự tỷ mỉ, chính xác, nhưng vẫn đang được thực hiện bằng phương pháp thủ công trong khi thời gian để Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua dự án luật rất ngắn.
[3] Điển hình như trong đợt tham vấn cho Dự thảo Luật Đất đai 2024, có hơn 9 triệu ý kiến được ghi nhận, đặt ra thách thức rất lớn cho các cơ quan nhà nước trong việc xử lý thông tin đa dạng và nhiều chiều.
Việc lấy ý kiến chính sách, dự thảo VBQPPL được thực hiện rất hình thức thông qua việc đăng tải toàn văn hồ sơ đề nghị, dự án, dự thảo VBQPPL trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến. Việc xử lý các góp ý cũng được tiến hành thủ công, không có hộp thư tự động để trả lời người dân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, hiện nay nhiều quan điểm cho rằng chất lượng lấy ý kiến VBQPPL sẽ phản ánh chất lượng của văn bản nhưng do giai đoạn lấy ý kiến còn hình thức nên chất lượng văn bản không cao.
Hằng năm, số lượng kiến nghị của cử tri cả nước gửi cho các cơ quan nhà nước rất lớn. Tuy nhiên, việc cập nhật thông tin thường thực hiện bằng các phương pháp thủ công nên mất rất nhiều thời gian của cơ quan quản lý nhà nước. Các đề xuất, kiến nghị của cử tri và địa phương thường được gửi đến vào các thời điểm khác nhau nhưng nhiều nội dung trùng lặp hoặc rải rác trong nhiều văn bản trả lời trước đó. Trên thực tế, các nguồn thông tin này hoàn toàn có thể được xem là một trong những căn cứ thực tiễn có giá trị tham khảo tốt để đánh giá tính khả thi cũng như chỉ ra các hạn chế, vướng mắc của quy định pháp luật khi đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, do chưa thiết lập được hệ thống kho lưu trữ dữ liệu điện tử các câu hỏi và giải đáp vướng mắc của cử tri, đề xuất, kiến nghị của địa phương dẫn đến việc các cơ quan nhà nước phải dành rất nhiều thời gian để trả lời vướng mắc của họ, trong khi có khá nhiều câu hỏi có nội dung tương đồng. Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan ngang bộ cũng chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu về khó khăn, vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật để làm tư liệu tham khảo cho việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật sau này nên khi xây dựng báo cáo tổng kết, đánh giá thi hành pháp luật chưa phản ánh được hết những vướng mắc, bất cập của thực tiễn mà cử tri cũng như các địa phương đã phản ánh trước đó.
Với những thách thức trên, việc ứng dụng công nghệ thông tin là một xu hướng tất yếu trong thời đại số. Công nghệ hiện đại, đặc biệt là dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI), có thể hỗ trợ trong việc tự động hóa quá trình thu thập, phân loại và phân tích ý kiến. Điều này giúp giảm thiểu thời gian xử lý thông tin, tăng độ chính xác và nâng cao hiệu quả trả lời kiến nghị của cử tri, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Các nền tảng kỹ thuật số cũng có thể giúp tích hợp kho dữ liệu điện tử, hỗ trợ theo dõi lược sử các quy định pháp luật, phục vụ nghiên cứu lâu dài cũng như việc sửa đổi, bổ sung, thay thế VBQPPL hiện hành.
Tóm lại, ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ là một giải pháp nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong việc thu thập ý kiến góp ý, mà còn giúp xây dựng chính sách pháp luật toàn diện, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội. Đây chính là bước đi cần thiết để Việt Nam tiến gần hơn đến mô hình quản lý hiện đại và hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số đang được thế giới hết sức quan tâm.
2. Một số khó khăn, vướng mắc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thu thập, tổng hợp và xử lý ý kiến góp ýCó thể thấy rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp lưu trữ và phân tích khối lượng lớn dữ liệu một cách hiệu quả mà còn cho phép phân loại theo nội dung, lĩnh vực, hoặc đối tượng góp ý là một trong những giải pháp lâu dài và cần thiết đối với hoạt động xây dựng VBQPPL. Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến giúp tiết kiệm sức lực, thời gian, chi phí, đồng thời là nguồn tài nguyên dữ liệu phong phú làm cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, việc ứng dụng và xử lý thông tin đòi hỏi phải có năng lực và kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực khoa học dữ liệu cũng như kiến thức chuyên ngành và đặc thù trong lĩnh vực pháp luật để có thể giải quyết những thách thức còn đang tồn đọng. Cụ thể là:
Thứ nhất, đối với tổng hợp dữ liệu. Như đã đề cập ở trên, dữ liệu gồm ý kiến góp ý đối với dự thảo hay quy định pháp luật thường đến từ nhiều kênh thông tin khác nhau, bên cạnh các ý kiến đóng góp trực tiếp khi xây dựng dự thảo thì cũng có một số lượng không hề nhỏ các văn bản đề xuất của cử tri và địa phương gửi đến Bộ Tư pháp trong giai đoạn thi hành pháp luật. Bởi vậy, một trong những khó khăn, thách thức trong việc lưu trữ thông tin là việc tổng hợp, nhóm các vấn đề cũng như trộn các kiến nghị để tối ưu hoá cơ sở dữ liệu, làm cơ sở cho việc trả lời kiến nghị của cử tri, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Thậm chí, việc xử lý cũng như bóc tách các ý kiến góp ý trong từng giai đoạn pháp luật cũng là bài toán khó để có thể đảm bảo tính hiệu quả của cơ sở dữ liệu khi áp dụng trên thực tế. Mặc dù hiện nay, giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo AI và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP đã được đưa ra, song thực tế để ứng dụng và chạy thành công cần một sự đầu tư cực kỳ lớn không chỉ về mặt kinh phí mà còn liên quan đến nguồn tài nguyên, thời gian và nguồn lực để đảm bảo quá trình cập nhật, phân tích và sàng lọc thành cơ sở dữ liệu chuẩn làm nền tảng cho việc khai thác và sử dụng nguồn dữ liệu cho các mục đích khác nhau trong hoạt động xây dựng pháp luật. Trên thực tế, hiện nay chỉ một số ít tổ chức lớn trên thế giới huấn luyện thành công LLM
[4] như công ty OpenAI với sản phẩm là ChatGPT, ứng dụng Gemini của công ty Google và phần mềm Copilot của Microsoft với mức kinh phí đầu tư lên đến hàng tỉ đô la Mỹ.
Thứ hai, đối với tìm kiếm thông tin. Xuất phát từ tính chất luật học là một ngành khoa học đặc thù, do đó dữ liệu pháp luật thường rất phức tạp, với nhiều thuật ngữ pháp lý chuyên ngành, thậm chí đa nghĩa và ngôn ngữ cần một độ chính xác nhất định, chẳng hạn như “
Biện pháp có tính chất đặc thù” trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều này đặt ra thách thức không hề nhỏ cho các công cụ tìm kiếm hiện hành, bao gồm tìm kiếm theo cơ sở dữ liệu véc-tơ (Vector Database) và tìm kiếm dựa trên nền tảng Apache Lucene (Elasticsearch). Trong đó, Vector Database được thiết kế để lưu trữ, quản lý và tìm kiếm dữ liệu dưới dạng vector - một biểu diễn toán học của các đối tượng như văn bản sau khi được mã hóa bởi các mô hình học sâu. Bởi vậy, Vector Database thường tập trung vào tìm kiếm ngữ nghĩa. Còn đối với ElasticSearch là một công cụ tìm kiếm toàn văn, được tối ưu hóa cho việc lập chỉ mục và phân tích dữ liệu văn bản. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, do mức độ phức tạp của ngôn ngữ pháp lý và tư duy học thuật, nên ứng dụng các công cụ để xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như phân tích và khai thác cơ sở dữ liệu là tương đối phức tạp vì mỗi công cụ tìm kiếm nêu trên vẫn tồn tại những hạn chế riêng liên quan đến việc tìm kiếm và xác định chính xác thông tin từ các ý kiến mang tính pháp lý được thu thập, khi mà trên thực tế các ý kiến, đề xuất góp ý đôi khi cần phải xác định theo ngữ cảnh toàn văn mới có thể đảm bảo chính xác vấn đề được đề cập của thực tiễn và từ quy định của pháp luật.
Ngoài ra, một trong những thách thức khác cần được giải quyết chính là cơ sở vật chất để có thể đảm bảo khả năng vận hành và ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, một trong những thành phần cơ bản là thiết bị máy tính có đủ khả năng lưu trữ và chạy các chương trình hiệu quả, đặc biệt khi vận hành các ứng dụng yêu cầu tài nguyên cao như thu thập và xử lý thông tin từ ý kiến góp ý đến từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Theo đó, khi xử lý khối lượng dữ liệu lớn hoặc phát triển mô hình học máy để có thể đảm bảo các chức năng như yêu cầu, một máy tính có bộ xử lý hiệu năng cao và khả năng xử lý đa nhiệm là rất cần thiết. Việc sử dụng máy tính có cấu hình không đủ mạnh dễ dẫn đến việc giảm hiệu suất chương trình và giới hạn chức năng, trong khi một “máy tính khỏe” không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn sẵn sàng cho các công nghệ và yêu cầu khác trong tương lai.
3. Giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lấy ý kiến và trả lời kiến nghị3.1. Kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lấy ý kiếnThực tế cho thấy, nhiều quốc gia đã và đang phát triển và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo nhằm phục vụ hoạt động lấy ý kiến công dân, hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật.
Cộng hòa Estonia, được biết đến như một quốc gia tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số trong quy trình lập pháp. Quốc gia này đã triển khai hệ thống
“E-Consultation”[5], cho phép toàn bộ quy trình lập pháp diễn ra trực tuyến cũng như cho phép công dân tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật bằng cách đóng góp ý kiến trực tuyến đối với các chính sách và dự thảo luật. Hệ thống này công bố các dự thảo luật và các thông tin liên quan như lý do đề xuất, mục tiêu của chính sách, dự án luật, những vấn đề cần thảo luận, giúp người dân nắm được vấn đề và đóng góp ý kiến sát thực. Sau khi nhận được ý kiến của người dân, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing - NLP) được sử dụng trong hệ thống sẽ tiến hành phân loại ý kiến, loại bỏ các đóng góp trùng lặp hoặc không liên quan, đồng thời tự động tổng hợp dữ liệu thành các báo cáo ngắn gọn, hỗ trợ các nhà lập pháp phân tích và đưa ra quyết định. Ngoài ra, sau khi ý kiến được xử lý, hệ thống cung cấp phản hồi chi tiết về việc ý kiến đã được tiếp thu hay không và lý do cụ thể. Cuối cùng, để đảm bảo hoạt động giải trình cũng như mục đích lâu dài, hệ thống “
E-Consultation” còn có chức năng lưu trữ toàn bộ dữ liệu, bao gồm ý kiến, phản hồi và lược sử chỉnh sửa dự thảo, để sử dụng trong các nghiên cứu hoặc sửa đổi pháp luật trong tương lai.
Ở Pháp, trong nỗ lực xây dựng nền tảng trực tuyến đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong xây dựng pháp luật, nền tảng
“Parlement et Citoyens”[6] không chỉ cung cấp hòm thư điện tử dành cho ý tưởng xây dựng luật để công dân gửi sáng kiến độc lập, mà còn tự động phân tích dữ liệu để đề xuất câu hỏi gợi ý về các chủ đề đang gây tranh cãi nhằm thu hút công dân trình bày quan điểm. Cụ thể, khi một đại biểu hoặc nhóm đại biểu quốc hội đăng tải dự thảo luật hoặc các câu hỏi liên quan, người dân sau đó có thể truy cập nền tảng để xem xét dự thảo và gửi ý kiến, bình luận đóng góp trực tuyến. Các ý kiến này được hiển thị công khai trên hệ thống, tạo điều kiện cho người dân thảo luận, phản biện và bổ sung ý kiến. Điểm đặc biệt của hệ thống này là cho phép các đại biểu quốc hội trực tiếp theo dõi và phản hồi các ý kiến trong suốt quá trình, đồng thời giải thích những nội dung quan trọng hoặc làm rõ các vấn đề gây tranh cãi. Cuối cùng, hệ thống sẽ tự động tổng hợp và lưu trữ các ý kiến và phân loại theo các nhóm chủ đề, giúp các nhà lập pháp có thể dễ dàng tiếp cận và đánh giá vấn đề theo nhu cầu của xã hội.
Trung Quốc hiện nay đã áp dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa quy trình lấy ý kiến từ người dân, tổ chức và doanh nghiệp nhằm phục vụ công tác xây dựng pháp luật. Một trong những hệ thống nổi bật là Cổng thông tin pháp lý Trung Quốc
(China Legislative Information Network System - CLINS), nơi các dự thảo luật và các văn bản pháp luật được công bố để người dân dễ dàng truy cập. Thông qua CLINS, công dân có thể đóng góp ý kiến trực tuyến thông qua các biểu mẫu đơn giản, kèm theo tính năng hỗ trợ đính kèm tài liệu bổ sung để làm rõ quan điểm. Với NLP và AI được tích hợp trong hệ thống, các ý kiến được đóng góp sẽ được tự động phân tích, phân loại và tổng hợp, giúp các nhà lập pháp nhanh chóng nhận diện xu hướng, các vấn đề mâu thuẫn và ưu tiên điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, một tính năng nổi bật khác của hệ thống này là khả năng phản hồi tự động. Người đóng góp ý kiến sẽ nhận được phản hồi ngay lập tức về việc ý kiến của họ đã được tiếp nhận, đồng thời các cơ quan nhà nước có thể cung cấp giải thích về lý do tiếp thu hay không tiếp thu ý kiến một cách minh bạch. Hơn nữa, các cơ sở dữ liệu điện tử cũng được quốc gia này tích hợp để lưu trữ toàn bộ ý kiến và lịch sử xử lý thông tin góp ý và phản hồi ý kiến góp ý, phục vụ cho việc đánh giá, xây dựng chính sách, pháp luật trong tương lai.
Nhìn chung, việc áp dụng công nghệ thông tin tại các quốc gia nêu trên mang lại hiệu quả tích cực, không chỉ trong việc tăng cường tính minh bạch trong quá trình lập pháp mà còn thúc đẩy sự tham gia của công chúng và đảm bảo rằng các chính sách được xây dựng dựa trên nhu cầu xã hội cũng như các căn cứ khoa học và thực tiễn.
3.2. Một số đề xuất, kiến nghịThứ nhất, cần có cơ chế đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động xây dựng văn bản pháp luật. Hiện nay, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật mới chỉ quy định về bảo đảm kinh phí cho hoạt động xây dựng pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật mà chưa quy định về đầu tư cơ sở, vật chất cho công tác xây dựng pháp luật nói chung và đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng pháp luật nói riêng. Ngoài ra, các quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015 khi đề cập đến nhiệm vụ chi cũng chưa có các quy định cụ thể, rõ ràng để làm căn cứ đầu tư kinh phí cho việc ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ, ngành và địa phương. Chính vì thiếu các quy định của pháp luật làm cơ sở cho việc đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như hiện đại hóa các trang thông tin về lấy ý kiến dự thảo VBQPPL của bộ, ngành và địa phương dẫn đến việc lấy ý kiến hình thức, thiếu thực chất. Đây thực sự trở thành rào cản để tìm kiếm nguồn đầu tư, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lấy ý kiến nói chung và trả lời kiến nghị của cử tri nói riêng. Việc thiết lập và vận hành các chương trình trên thực tế đòi hỏi rất nhiều kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực để triển khai xây dựng hệ cơ sở dữ liệu, ngân hàng câu hỏi và giải đáp vướng mắc tự động. Chính vì vậy, để có thể thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số, cần có các quy định đảm bảo mức kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để nâng cấp các trang thông tin điện tử để tham vấn ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng cần nghiên cứu phân chia quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu về lấy ý kiến thành các giai đoạn khác nhau như xây dựng chương trình, thử nghiệm chương trình và duy trì, cập nhật chương trình cũng như phân chia mức độ phức tạp theo tính chất dự án nhằm đảm bảo các khoản chi đầu tư với các mức độ khác nhau.
Thứ hai, cần có quy định đảm bảo nguồn nhân lực vận hành công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động xây dựng pháp luật. Như đã đề cập ở trên, xuất phát từ tính đặc thù của hoạt động xây dựng pháp luật, việc ứng dụng công nghệ thông tin, việc đào tạo nguồn nhân lực vừa làm công tác xây dựng pháp luật, vừa thành thạo công nghệ thông tin là tương đối khó, trong khi đây được xem là yếu tố then chốt để triển khai thành công các ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng pháp luật. Do đó, để có thể đảm bảo nguồn nhân lực đủ khả năng phát triển và vận hành hệ thống, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng pháp luật nói chung và trong hoạt động lấy ý kiến nói riêng cũng như khi hệ thống đi vào vận hành, khai thác. Ngoài ra, cũng cần phải xem xét xây dựng các quy định đầu tư cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn thành thạo công nghệ thông tin để có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng phục vụ cho các hoạt động chuyên môn.
Thứ ba, thúc đẩy tìm kiếm nguồn đầu tư để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng pháp luậtBên cạnh sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, cũng cần nghiên cứu các giải pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển các giải pháp công nghệ hiện đại ứng dụng trong hoạt động xây dựng pháp luật. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính hoặc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ vào lĩnh vực xây dựng pháp luật. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa chi phí mà còn đảm bảo hệ thống công nghệ được triển khai hiệu quả và linh hoạt. Đồng thời, để đảm bảo khoa học công nghệ được áp dụng đúng mục đích, đặc biệt trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quyền công dân, cũng cần có các chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm bảo mật dữ liệu. Quy định này không chỉ tạo sự an tâm cho người dân mà còn đảm bảo tính hợp pháp trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt đông xây dựng pháp luật.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện nay, dự án KOICA của Hàn Quốc đang nghiên cứu, hỗ trợ Bộ Tư pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng pháp luật. Do đó, để dự án này thành công thì đòi hỏi sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo, sự quyết tâm và nỗ lực của các đơn vị xây dựng pháp luật nói riêng và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cũng như bộ, ngành, địa phương nói chung để xây dựng được Hệ cơ sở dữ liệu pháp luật “đúng, đủ, sạch, sống”, đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng thông tin của người làm công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, cũng cần tổ chức nghiên cứu, khảo sát, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hội nhập và lĩnh hội những thành tựu của các quốc gia trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lấy ý kiến phục vụ công tác xây dựng pháp luật. Những bài học thực tiễn từ các nước sẽ trở thành căn cứ, nền tảng giúp Việt Nam định hình các giải pháp phù hợp hơn với điều kiện thực tế cũng như lường trước các rủi ro để có phương pháp thích hợp ngay từ những bước đầu.
THs. Bùi Thu Hằng, Bộ Tư phápSV. Nguyễn Quốc Anh,lớp 4601, Trường Đại học Luật Hà Nội