1. Khái quát
Singapore là một quốc đảo có diện tích đất liền rất nhỏ (chỉ khoảng trên 700 km2) với dân số khoảng 5,9 triệu người. Quốc đảo này nổi tiếng là quốc gia có sự phát triển thần kỳ cùng hệ thống pháp luật chất lượng cao, được thực thi nghiêm minh bởi bộ máy hành chính năng động, trong sạch, vận hành hiệu lực, hiệu quả dựa trên chế độ trọng dụng nhân tài.
Là quốc gia đơn nhất áp dụng hình thức chính thể cộng hòa đại nghị (theo mô hình Westminster của Anh), Singapore có bộ máy nhà nước gồm 3 nhánh quyền lực là nhánh lập pháp (Quốc hội), nhánh hành pháp (Nội các do Thủ tướng đứng đầu) và nhánh tư pháp, cùng với Tổng thống do dân bầu[1] đóng vai trò nguyên thủ quốc gia nhưng ít thực quyền. Trong hình thức chính thể đó, mặc dù có sự phân quyền kỹ thuật giữa nhánh lập pháp và nhánh hành pháp, nhưng hai nhánh này tồn tại trong một thể thống nhất do thành viên của nhánh hành pháp (Nội các) được chọn từ các thành viên của nhánh lập pháp (Quốc hội). Mặc dù vậy, nhánh tư pháp được duy trì độc lập với cả hai nhánh lập pháp và hành pháp.
Quốc hội Singapore là Quốc hội đơn viện với tổng cộng 100 thành viên, trong đó 88 thành viên được cử tri bầu với nhiệm kỳ 5 năm cùng với 12 ghế còn lại được phân bổ cho 9 Nghị sĩ được đề cử (Nominated MPs) và 3 Nghị sĩ không đại diện khu vực bầu cử (Non-Constituency MPs). Đảng Nhân dân hành động (PAP) là đảng luôn chiếm đa số tuyệt đối các ghế trong Quốc hội Singapore kể từ năm 1959.
Nội các Singapore là các thành viên được chọn từ Quốc hội do Thủ tướng đứng đầu (giữ quyền chủ trì tất cả các phiên họp nội các). Nội các Singapore có khoảng 20 thành viên, trong đó có một Phó Thủ tướng và Bộ trưởng của 15 Bộ trong Chính phủ[2], ngoài ra còn có Bộ trưởng Cố vấn (khi cố Thủ tướng Lý Quang Diệu còn sống, ông đảm nhận vị trí này), Bộ trưởng Cao cấp (ông Goh Chok Tong, Cựu Thủ tướng và ông S Jayakumar, cựu Phó Thủ tướng đảm nhận vị trí này).
Thủ tướng là thành viên quyền lực nhất trong Nội các. Điều này không chỉ do vai trò bổ nhiệm mà còn bởi sự kiểm soát của Thủ tướng đối với đảng của mình với tư cách là người đứng đầu đảng (đảng của Thủ tướng cũng chính là đảng chiếm đa số ghế trong Quốc hội). Ở Singapore, đảng chính trị thực thi kỷ luật đảng rất nghiêm do đó các thành viên của một đảng phải trung thành và phải bỏ phiếu theo chỉ đạo của đảng. Về nguyên tắc, không thành viên Quốc hội nào được phép bỏ phiếu chống lại các chính sách, luật hay đề xuất của đảng mình trừ khi đảng cho phép đảng viên bỏ phiếu theo lương tâm đối với một số dự luật gây nhiều tranh cãi.
2. Các công đoạn trong quy trình xây dựng luật[3]
2.1. Công đoạn Chính phủ
Theo quy định tại Điều 58 của Hiến pháp Singapore, “quyền lập pháp được thực thi thông qua các dự luật được Quốc hội thông qua và Tổng thống phê chuẩn”. Tuy nhiên, trên thực tế, sáng kiến lập pháp chủ yếu đến từ Chính phủ (Nội các)[4]. Do tác động của kỷ luật đảng trong sinh hoạt Quốc hội, các Nghị sĩ khá ngần ngại khi lên tiếng phản đối các dự luật và chính sách do Nội các trình. Nhờ đó, Chính phủ (Nội các) có thể đặt ra mục tiêu và giá trị cho xã hội thông qua các luật được Quốc hội thông qua không quá khó khăn. Dù vậy, Quốc hội vẫn đóng vai trò biểu tượng quan trọng trong việc luật hóa những đề xuất của Chính phủ.
Các dự luật của Chính phủ thường bắt nguồn từ các bộ và cơ quan chính phủ khác nhau và được soạn thảo bởi một bộ phận soạn thảo luật chuyên trách (Vụ Lập pháp) thuộc Văn phòng Tổng Chưởng lý (Attorney-General’s Chambers - AGC). Các đề xuất xây dựng luật của các Bộ quản lý ngành đều phải được trình cho Chính phủ (Nội các) xem xét, quyết định trước khi chính thức được soạn thảo thành dự án luật.
Ở Singapore, Nội các đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Nội các có thể làm hầu như mọi thứ - tuyên chiến, ký kết hiệp ước, tăng thuế, ban hành luật, và nhiều việc khác. Theo Điều 28(1) Hiến pháp Singapore, Nội các chỉ có thể được triệu tập bởi Thủ tướng, và Thủ tướng phải, trong khả năng có thể, “tham dự và chủ trì các cuộc họp của Nội các”. Nếu Thủ tướng không thể tham dự hoặc đang ở nước ngoài, Thủ tướng có thể bổ nhiệm một Bộ trưởng khác thay mình chủ trì cuộc họp. Mọi hoạt động của Nội các đều được giữ bí mật và có hiệu lực ngay cả khi có một số người không được ủy quyền tham gia hoặc bỏ phiếu trong cuộc họp. Trước khi các quyết định được đưa ra ở cấp Nội các, một quy trình xây dựng chính sách phải được triển khai. Thông thường, các nhà hoạch định chính sách chủ chốt sẽ xác định các vấn đề và nguyên nhân, phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp hiệu quả để đối phó. Ở Singapore, hầu hết các chính sách công đều được Nội các xây dựng hoặc thông qua. Thông thường, nhân viên của bộ sẽ khởi xướng quá trình xây dựng chính sách bằng cách nêu ra các vấn đề và khó khăn cho Bộ trưởng phụ trách để Bộ trưởng xem xét, quyết định trình Nội các xem xét, quyết định hay không. Những vấn đề và khó khăn này nếu được Bộ trưởng quản lý ngành trình Nội các sẽ được thảo luận và giải quyết trong các cuộc họp Nội các. Các Bộ trưởng trong Nội các thường họp hàng tuần. Trước các cuộc họp toàn thể của Nội các, họ tham dự các cuộc họp tiền Nội các - đây là các buổi ăn trưa không chính thức trước khi cuộc họp chính thức diễn ra. Có vẻ như tại các cuộc họp tiền Nội các, một số sự đồng thuận sẽ được hình thành giữa các nhà quyết định chủ chốt. Dù các quyết định nào được đưa ra tại Nội các, tất cả các Bộ trưởng đều phải chịu trách nhiệm tập thể trước Quốc hội (theo Điều 24(2) Hiến pháp Singapore). Điều này có nghĩa là khi Nội các đưa ra một quyết định, mọi thành viên của Nội các đều bị ràng buộc và phải chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định đó. Họ cũng phải ủng hộ và bảo vệ quyết định trước công chúng, kể cả khi họ cá nhân không đồng ý với quyết định đó. Do đó, nếu một chính sách không thành công hoặc không được Quốc hội ủng hộ, toàn bộ Nội các phải từ chức. Mặc dù nguyên tắc trách nhiệm tập thể được quy định trong Hiến pháp, nhưng chưa bao giờ có trường hợp nào nguyên tắc này được đưa vào thử thách. Có hai lý do có thể giải thích điều này. Thứ nhất là do một đảng duy nhất - trong trường hợp này là Đảng Nhân dân hành động - kiểm soát gần như tất cả các ghế trong Quốc hội. Vì Nội các bao gồm những thành viên cao cấp và quan trọng nhất của Đảng, các nghị sĩ không có lý do gì để muốn họ bị bãi nhiệm. Thứ hai, kỷ luật đảng nghiêm ngặt đảm bảo rằng không ai bỏ phiếu chống lại đường lối của Chính phủ.
Trước khi dự luật được soạn thảo, Nội các thảo luận và đồng ý về nguyên tắc với đề xuất xây dựng luật. Tiếp theo, Thư ký Thường trực của bộ[5] đề xuất xây dựng luật sẽ chuẩn bị bản dự thảo luật hoặc một bản tóm tắt chi tiết về nội dung đề xuất và gửi đến bộ phận soạn thảo luật chuyên trách (Vụ Lập pháp) thuộc Văn phòng Tổng Chưởng lý AGC để tiến hành soạn thảo dự thảo luật.
Vụ Lập pháp (thuộc Văn phòng Tổng Chưởng lý) là cơ quan soạn thảo luật tập trung của Singapore và là nơi lưu giữ bộ tổng tập Luật Singapore (cũng là cơ sở dữ liệu luật của Singapore). Bộ phận này cung cấp các dịch vụ soạn thảo luật, tư vấn lập pháp cho tất cả các bộ, cơ quan nhà nước và các tổ chức công lập, đồng thời quản lý việc xuất bản và cơ sở dữ liệu pháp luật dành cho công chúng. Bộ phận này hỗ trợ thúc đẩy nguyên tắc thượng tôn pháp luật bằng cách cung cấp quyền truy cập miễn phí, toàn diện, 24/7 đối với hệ thống pháp luật Singapore thông qua trang web Singapore Statutes Online (https://sso.agc.gov.sg). Thông qua các công việc của mình, Vụ Lập pháp là đóng góp vào việc duy trì một chính quyền hợp hiến, hợp pháp, thúc đẩy phát triển bền vững cùng việc hình thành các văn bản luật dễ tiếp cận cho tất cả mọi người thông qua việc cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, công bằng và hiệu quả trong soạn thảo luật và sửa đổi luật. Vụ Lập pháp có trách nhiệm bảo đảm hoạt động xây dựng luật đáp ứng các tiêu chí sau: (1) Tuân thủ Hiến pháp và phù hợp với nguyên tắc thượng tôn pháp luật; (2) Tương thích với toàn bộ hệ thống pháp luật; (3) Rõ ràng và súc tích (hạn chế tối đa các tranh chấp tư pháp); (4) Có khả năng thực thi mà không gây ra các hệ quả ngoài ý muốn; (5) Chính xác nhằm giảm thiểu tình trạng tránh né pháp luật; (6) Bền vững để đứng vững qua thời gian mà không cần sửa đổi thường xuyên; (7) Dễ hiểu (sử dụng ngôn ngữ phổ thông, đơn giản); (8) Dễ tiếp cận và sẵn có cho tất cả mọi người; và (9) Tiết kiệm chi phí trong việc tuân thủ. Nhiệm vụ của Vụ Lập pháp bao gồm:
- Tư vấn cho Chính phủ và các cơ quan trong khu vực công một loạt các dịch vụ tư vấn liên quan đến: (a) việc xây dựng các đề xuất xây dựng luật, và (b) quy trình ban hành và thực thi luật;
- Soạn thảo các dự luật của Chính phủ và các bản giải trình đi kèm để trình Quốc hội;
- Soạn thảo văn bản dưới luật nhằm thực hiện các Luật do Chính phủ và các cơ quan khu vực công quản lý;
- Tham gia vào các ủy ban liên bộ và các ủy ban khu vực công - tư để thúc đẩy chính sách mới và cải cách pháp luật;
- Cung cấp quyền truy cập vào hệ thống pháp luật chính xác và cập nhật (bao gồm cả Luật và văn bản dưới luật) trên trang web Singapore Statutes Online;
- Duy trì LegiS@Gov, cơ sở dữ liệu về pháp luật Singapore, trên mạng nội bộ của Chính phủ;
- Xuất bản các phiên bản pháp luật sửa đổi dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Sửa đổi Luật;
- Cung cấp đào tạo về cách xây dựng luật hiệu quả và soạn thảo văn bản lập pháp, phối hợp với Học viện Dịch vụ Công (Civil Service College).
Vụ Lập pháp có 4 Phòng (Nhóm/đơn vị cấp phòng) chức năng: (1) Phòng Soạn thảo Luật (Law Drafting Group); (2) Phòng Biên tập và Sửa đổi Luật (Law Editing and Revision Group); (3) Phòng Xuất bản Luật, Quản lý Cơ sở Dữ liệu và Hệ thống Lập pháp (Law Publishing, Database Management and Legislative Systems Group); (4) Đơn vị Chính sách Pháp luật, Kế hoạch và Tiêu chuẩn (Legal Policy, Planning and Standards Unit).
Phòng Soạn thảo Luật (Law Drafting Group): Phòng Soạn thảo Luật gồm các luật sư chịu trách nhiệm soạn thảo các Dự luật và văn bản dưới luật, tư vấn cho Chính phủ và các cơ quan khu vực công về cách tiếp cận và giải pháp lập pháp, cũng như hỗ trợ thực hiện ban đầu các luật đã được ban hành. Ngoài ra, các chuyên viên soạn thảo còn thực hiện công việc sửa đổi pháp luật định kỳ. Phòng được chia thành 6 cụm chuyên môn như sau: (1) Cụm Cơ sở hạ tầng và Môi trường (Infrastructure and Environment Cluster); (2) Cụm Xã hội (Social Cluster); (3) Cụm Kinh tế (Economic Cluster); (4) Cụm Trung tâm Chính phủ (Centre of Government Cluster); (5) Cụm Luật & Công nghệ (Law & Technology Cluster); (6) Cụm An ninh (Security Cluster).
Phòng Biên tập và Sửa đổi Luật (Law Editing and Revision Group): Phòng Biên tập và Sửa đổi Luật bao gồm các biên tập viên và trợ lý biên tập, chịu trách nhiệm:
(a) Xem xét, chỉnh sửa và kiểm tra kỹ lưỡng các dự thảo luật do nhóm soạn thảo luật và biên tập viên chuẩn bị nhằm đảm bảo tính chính xác, nhất quán và không có lỗi;
(b) Đảm bảo sản phẩm luật được hoàn thành kịp thời để trình Quốc hội và xuất bản trên Công báo. Đơn vị sửa đổi Luật trong Phòng này còn chuẩn bị các phiên bản sửa đổi của luật theo thẩm quyền của Ủy ban sửa đổi Luật (Law Revision Commissioners).
Phòng xuất bản Luật, Quản lý cơ sở dữ liệu và Hệ thống lập pháp: Phòng Xuất bản Luật, Quản lý Cơ sở Dữ liệu và Hệ thống Lập pháp chịu trách nhiệm duy trì và xuất bản các văn bản luật được trình lên Quốc hội và tất cả các văn bản luật đã ban hành thông qua Hệ thống Chỉnh sửa và Xuất bản Xác thực Luật pháp (Legislation Editing and Authentic Publishing System), cung cấp cho các hệ thống trực tuyến sau: (1) Cơ sở Dữ liệu Pháp luật Có Phiên bản (Versioned Legislation Database - VLDB) (nội bộ); (2) LegiS@Gov (dành cho mạng nội bộ Chính phủ); (3) Singapore Statutes Online (SSO) (dành cho công chúng). Phòng này cũng thực hiện hợp nhất không chính thức (informal consolidations) cho tất cả các văn bản pháp luật.
Đơn vị Chính sách Pháp lý, Kế hoạch và Tiêu chuẩn: Đơn vị này chịu trách nhiệm tổng hợp và lưu giữ hồ sơ các quyết định và tiêu chuẩn liên quan đến chính sách pháp lý trong soạn thảo luật. Đơn vị này cũng hợp tác với Học viện AGC-LS (AGC-LS Academy) để tìm nguồn và lập kế hoạch đào tạo cho Bộ phận, đồng thời thực hiện chức năng thư ký cho chương trình lập pháp hàng năm.
Dự luật thường bao gồm điều khoản cho phép xây dựng các quy định lập pháp theo ủy quyền (còn gọi là văn bản quy phạm pháp luật bổ sung - subsidiary legislation). Sau khi dự luật được in và kiểm tra bởi Văn phòng Tổng Chưởng lý, một bản ghi nhớ sẽ được gửi cho Thư ký Thường trực của Bộ Pháp luật[6] để phê duyệt trước khi trình lên Nội các.
2.2. Công đoạn Quốc hội
2.2.1. Lần đọc thứ nhất (giới thiệu Dự luật tại Quốc hội)
Chính phủ (Nội các) hoặc bất kỳ Nghị sỹ nào cũng có thể giới thiệu một dự luật tại Quốc hội với điều kiện phải thông báo trước một thời gian nhất định. Thời gian thông báo là hai ngày làm việc đối với các dự luật của Chính phủ và bốn ngày làm việc đối với các dự luật của Nghị sĩ độc lập. Các dự luật quy định trực tiếp hoặc gián tiếp về việc thu thuế, chi tiêu nhà nước liên quan đến Quỹ Dự trữ Tập trung (Consolidated Fund) hoặc các nghĩa vụ tài chính của Chính phủ không được giới thiệu hoặc đề xuất trừ khi có khuyến nghị của Tổng thống và được một Bộ trưởng xác nhận.
Vào ngày chính thức giới thiệu dự luật, Nghị sĩ đề xuất sẽ đọc to tên đầy đủ của dự luật và sau đó trình dự luật cho Thư ký Quốc hội tại bàn. Thư ký sẽ đọc to tên ngắn gọn của dự luật. Như vậy, dự luật đã được giới thiệu vào Quốc hội mà không cần biểu quyết, và điều này được gọi là Đọc lần thứ Nhất của dự luật. Sau đó, sẽ ấn định một ngày cho việc Đọc lần thứ Hai của dự luật.
2.2.2. Lần đọc thứ hai
Sau khi lần đọc thứ nhất, Thư ký Quốc hội phải: (a) công bố dự luật trên Công báo; (b) in dự luật; và (c) gửi bản sao dự luật cho các Nghị sĩ. Tất cả những việc này phải được hoàn tất ít nhất bảy ngày làm việc trước khi diễn ra lần đọc thứ hai. Nếu có sửa đổi cần thực hiện sau khi lần đọc thứ nhất, việc sửa đổi ấy phải được thông báo trước ít nhất hai ngày làm việc và phải có chữ ký của một Bộ trưởng Nội các bảo trợ dự án luật đó gửi cho Thư ký Quốc hội (tuy nhiên, với Dự luật Khẩn cấp, dự luật ấy có thể được đọc ba lần và thông qua trong cùng một ngày).
Trong phiên Đọc lần thứ Hai, Bộ trưởng đề xuất dự luật thường có bài phát biểu trình bày mục tiêu của dự luật. Sau đó, các Nghị sĩ sẽ thảo luận và tranh luận về dự luật. Kết thúc phiên thảo luận, một kiến nghị sẽ được đưa ra: “Dự luật này được Đọc lần thứ Hai ngay bây giờ”. Tại thời điểm này, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu, có thể có hoặc không có chia phiếu (division). Khi dự luật được thông qua Đọc lần thứ Hai, dự luật được chuyển sang Giai đoạn Ủy ban.
2.2.3. Giai đoạn Ủy ban
Sau khi Đọc lần thứ Hai, dự luật sẽ được chuyển cho Ủy ban Lựa chọn hoặc Ủy ban Toàn thể Quốc hội. Nếu dự luật được chuyển đến Ủy ban Lựa chọn, một Chủ tọa và các thành viên ủy ban sẽ được bổ nhiệm và được trao quyền triệu tập người, yêu cầu hồ sơ và các tài liệu khác, đồng thời phải liệt kê các phát hiện và khuyến nghị trong Báo cáo của Ủy ban Lựa chọn. Nếu dự luật không được chuyển đến Ủy ban Lựa chọn, Quốc hội sẽ chuyển thành Ủy ban Toàn thể Quốc hội và thảo luận chi tiết từng điều khoản của dự luật. Khi này, Ủy ban chỉ được thảo luận chi tiết dự luật mà không được bàn về các nguyên tắc cơ bản của dự luật.
Trong Giai đoạn Ủy ban, có thể dự luật có thể được sửa đổi nhưng không thể bác bỏ hoàn toàn dự luật vì quyền đó được dành cho toàn Quốc hội. Sau khi dự luật được thảo luận xong trong Ủy ban, một báo cáo phải được trình lên Quốc hội. Giai đoạn này được gọi là Giai đoạn Báo cáo. Chủ tọa của Ủy ban Lựa chọn hoặc Ủy ban Toàn thể Quốc hội (tùy trường hợp) sẽ báo cáo kết quả thảo luận của Ủy ban trước Quốc hội. Nếu có sửa đổi, các sửa đổi này sẽ được trình Quốc hội xem xét và có thể được chấp thuận hoặc bác bỏ, mặc dù việc bác bỏ hiếm khi xảy ra. Khi Quốc hội chấp thuận dự luật đã được sửa đổi, một kiến nghị có thể được đưa ra: “Dự luật này được Đọc lần thứ Ba”.
2.2.4. Đọc lần thứ ba
Đọc lần thứ ba tương tự như Đọc lần thứ hai, mặc dù cuộc tranh luận thường bị giới hạn hơn nhiều. Các sửa đổi nhằm chỉnh sửa sai sót hoặc thiếu sót có thể được thực hiện với sự cho phép của Chủ tịch Quốc hội, nhưng không được phép thực hiện các sửa đổi có tính chất trọng yếu. Bộ trưởng đề xuất Đọc lần thứ Ba (Bộ trưởng bảo trợ dự án luật) có thể phát biểu lại, trình bày những thay đổi đã thực hiện và giải thích các tác động của dự luật nếu được thông qua. Kết thúc phiên thảo luận, dự luật được đưa ra biểu quyết và khi được chấp thuận, dự luật sẽ được Quốc hội thông qua.
2.2.5. Xin ý kiến Hội đồng Tổng thống về Quyền của Người thiểu số và chấp thuận của Tổng thống
Sau khi Đọc lần thứ ba và trước khi dự luật được trình lên Tổng thống để phê chuẩn, Chủ tịch Quốc hội sẽ gửi một bản sao có xác thực đến Hội đồng Tổng thống về Quyền của Người thiểu số để xem xét. Hội đồng phải xem xét dự luật và báo cáo lại cho Chủ tịch Quốc hội trong vòng ba mươi ngày. Thời hạn ba mươi ngày này có thể được gia hạn nếu dự luật có tính chất đặc biệt phức tạp hoặc khó khăn. Nếu Hội đồng không đưa ra báo cáo trong thời hạn quy định, mặc nhiên được coi là không có điều khoản nào trong dự luật chứa biện pháp phân biệt đối xử.
Hội đồng Tổng thống về Quyền của Người thiểu số được thành lập theo quy định của Hiến pháp Singapore bao gồm một Chủ tịch (được bổ nhiệm với nhiệm kỳ ba năm), không quá mười thành viên được bổ nhiệm trọn đời và không quá mười thành viên được bổ nhiệm với nhiệm kỳ ba năm do Tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của Chính phủ (Nội các). Để đủ điều kiện trở thành thành viên, một người phải là công dân Singapore, cư trú tại Singapore và ít nhất 35 tuổi. Người đó không được mất năng lực hành vi dân sự, không được là người phá sản chưa được xóa nợ hoặc bị kết án với mức phạt tù một năm trở lên hoặc bị phạt tiền từ 2.000 đô la Singapore trở lên.
Chức năng cụ thể của Hội đồng là “lưu ý đến bất kỳ dự luật hoặc văn bản pháp luật bổ sung nào nếu, theo quan điểm của Hội đồng, là một biện pháp phân biệt đối xử”. Tuy nhiên, ba loại dự luật được miễn khỏi sự xem xét của Hội đồng: Dự luật Ngân sách (Money Bills), Dự luật Khẩn cấp và Dự luật ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, an toàn công cộng, hòa bình hoặc trật tự công cộng của Singapore. “Biện pháp phân biệt đối xử” được định nghĩa trong Điều 68 của Hiến pháp như sau: “Biện pháp phân biệt đối xử là bất kỳ biện pháp nào có khả năng, khi áp dụng thực tế, gây bất lợi cho người thuộc bất kỳ cộng đồng chủng tộc hoặc tôn giáo nào mà không gây bất lợi tương tự đối với người thuộc các cộng đồng khác, dù trực tiếp gây bất lợi cho người trong cộng đồng đó hoặc gián tiếp mang lại lợi ích cho người trong cộng đồng khác.”
Nếu Hội đồng đưa ra báo cáo rằng có biện pháp phân biệt đối xử trong dự luật, Quốc hội có thể sửa đổi dự luật và gửi lại cho Hội đồng hoặc tiếp tục trình dự luật để Tổng thống phê chuẩn bất chấp báo cáo của Hội đồng (khi Quốc hội thông qua kiến nghị trình dự luật với “số phiếu đồng thuận không dưới hai phần ba tổng số thành viên của Quốc hội”). Nếu báo cáo trình lên Quốc hội không phải là báo cáo bất lợi, dự luật sẽ được trình ngay lên Tổng thống để phê chuẩn mà không bị trì hoãn. Khi Tổng thống phê chuẩn dự luật, dự luật sẽ trở thành Luật chính thức.
Tuy nhiên, trong các lĩnh vực mà Tổng thống có quyền quyết định cá nhân theo Hiến pháp - chẳng hạn như ngân sách hoặc việc vay nợ hoặc bảo lãnh của Chính phủ - Tổng thống có thể từ chối phê chuẩn dự luật dù đã được Quốc hội thông qua.
Luật có hiệu lực từ ngày được công bố trên Công báo (Gazette) hoặc vào ngày khác nếu Luật có quy định khác. Thường thì ngày có hiệu lực phụ thuộc vào việc soạn thảo các văn bản lập pháp theo ủy quyền (văn bản hướng dẫn thi hành Luật).
Sơ đồ cụ thể của quy trình lập pháp tại Quốc hội Singapore được mô tả như dưới đây:[7]
3. Vấn đề lập pháp theo ủy quyền
Do hạn chế về thời gian hoặc vì các lý do thực tế khác, Quốc hội ủy quyền lập pháp cho cơ quan hành pháp. Nhiều Luật chứa các điều khoản trao cho Bộ trưởng phụ trách ngành, lĩnh vực ban hành các văn bản pháp luật bổ sung cần thiết (văn bản lập pháp theo ủy quyền). Để ngăn chặn sự lạm quyền của cơ quan hành pháp, tất cả các văn bản pháp luật bổ sung phải được ban hành theo Luật gốc. Bộ trưởng không được ban hành văn bản pháp luật không được quy định rõ ràng hoặc không phù hợp về nội dung hoặc thủ tục trong Luật gốc. Thủ tục ban hành văn bản pháp luật bổ sung khác nhau tùy theo từng Luật. Thông thường, văn bản pháp luật bổ sung được soạn thảo bởi các cán bộ pháp lý thay mặt cho Tổng Chưởng lý dựa trên bản thảo do Thư ký Thường trực của Bộ quản lý ngành chuẩn bị.
Tất cả các văn bản pháp luật bổ sung cũng phải chịu sự giám sát của Hội đồng Tổng thống về Quyền của Người thiểu số. Bộ trưởng phụ trách phải gửi một bản sao có xác thực đến Hội đồng trong vòng mười bốn ngày kể từ ngày công bố văn bản. Hội đồng có ba mươi ngày để xem xét và báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng phụ trách về việc liệu văn bản pháp luật bổ sung có chứa biện pháp phân biệt đối xử hay không. Nếu theo ý kiến của Hội đồng, có biện pháp phân biệt đối xử, thì điều khoản vi phạm có thể bị hủy bỏ hoặc sửa đổi trong vòng sáu tháng. Ngoài ra, Quốc hội có thể thông qua một nghị quyết xác nhận điều khoản đó. Nếu Hội đồng không đưa ra báo cáo trong thời hạn ba mươi ngày, mặc nhiên được coi là Hội đồng không có ý kiến cho rằng văn bản pháp luật bổ sung chứa biện pháp phân biệt đối xử.
4. Lập pháp trong trường hợp khẩn cấp
Quyền lập pháp của Quốc hội được mở rộng đáng kể trong trường hợp khẩn cấp. Bất kể các quy định khác trong Hiến pháp, Quốc hội có thể “ban hành luật liên quan đến bất kỳ vấn đề nào, nếu Quốc hội cho rằng luật này cần thiết do tình trạng khẩn cấp”. Quốc hội cũng có thể bỏ qua sự phê chuẩn của Tổng thống trong trường hợp ban hành Luật khẩn cấp và những luật như vậy vẫn có hiệu lực ngay cả khi chúng không phù hợp với các điều khoản liên quan đến tôn giáo, quyền công dân hoặc ngôn ngữ (Điều 150(5)(b) Hiến pháp Singapore).
Theo Điều 150(2) Hiến pháp Singapore, Tổng thống có thể Tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ban hành Sắc lệnh (theo đề nghị của Nội các) khi tình trạng khẩn cấp được tuyên bố và Quốc hội không đang họp. Sau đó, Tổng thống có nghĩa vụ triệu tập Quốc hội càng sớm càng tốt. Tổng thống có quyền ban hành sắc lệnh cho đến khi Quốc hội họp. Theo Điều 150(3) Hiến pháp Singapore, Tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp có thể bị hủy bỏ hoặc bị Quốc hội vô hiệu hóa bằng một nghị quyết.