"Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Điều 75 Luật Đất đai 2024: Tiếp cận quyền con người", tác giả tập trung phân tích quy định pháp luật mới về việc công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, từ đó bước đầu đánh giá mức độ bảo đảm quyền tiếp quyền con người – một khía cạnh nội dung quy định của Luật năm 2024. Việc công khai này là một bước tiến quan trọng nhằm bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong quản lý và sử dụng đất đai, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Bài nghiên cứu xem xét vấn đề này dưới góc độ quyền con người, đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia vào các quyết định công và quyền giám sát việc thực hiện chính sách. Mặc dù, Điều 75 đã thể hiện sự tiến bộ trong khung pháp lý, nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức trong thực tiễn thực hiện. Các vấn đề như hình thức công khai, tính chính xác và kịp thời của thông tin, khả năng tiếp cận của người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,… cũng như cơ chế xử lý khi quyền tiếp cận bị vi phạm, vẫn chưa được quy định rõ ràng và đầy đủ. Với cách tiếp cận liên ngành nghiên cứu pháp luật đất đai, quản lý công và lý luận pháp luật về quyền con người, bài nghiên cứu không chỉ góp phần làm rõ ý nghĩa của Điều 75 Luật Đất đai 2024 mà còn đề xuất các giải pháp thiết thực để bảo đảm quyền lợi của người dân trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai. Bài viết thể hiện quan điểm tác giả trong việc đánh giá một số nội dung cơ bản theo Luật Đất đai 2024 về nội dung trên.
1. Đặt vấn đề nghiên cứu
Quản lý đất đai hiệu quả đóng vai trò then chốt trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất không chỉ là công cụ quản lý mà còn liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Đặc biệt, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là yếu tố cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đồng thời thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin - một quyền cơ bản được quốc tế công nhận. Điều 75 Luật Đất đai 2024 đưa ra các quy định mới về việc công khai các thông tin này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ quyền lợi của công dân. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc thực hiện vẫn gặp nhiều hạn chế như thông tin không đầy đủ, khó tiếp cận, đặc biệt ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Những bất cập này không chỉ cản trở quyền tiếp cận thông tin mà còn làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống quản lý đất đai.
Việc công khai không chỉ là một yêu cầu pháp lý mà còn là một biểu hiện cụ thể của việc thực hiện quyền con người trong lĩnh vực đất đai. Quyền này cho phép người dân tham gia vào các quyết định liên quan đến đất đai, giám sát chính sách và bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời, nó cũng là cơ chế quan trọng để hạn chế tham nhũng và thúc đẩy quản lý công hiệu quả.
2. Thực tiễn triển khai thực hiện quy định công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo tinh thần Luật Đất đai năm 2013
3. Điểm mới quy định công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Điều 75 Luật Đất đai 2024 dưới góc tiếp cận quyền con người
Điều 75 Luật Đất đai 2024 quy định về công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như sau: (i) việc công bố công khai quy hoạch sử dụng đất quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch; (ii) kế hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố công khai.
Trước đó, theo Điều 48 Luật Đất đai 2013 (được sửa đổi 2018) quy định công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như sau: (i) việc công bố công khai quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch; (ii) toàn bộ nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải được công bố công khai và (iii) toàn bộ nội dung kế hoạch sử dụng đất sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố công khai. Với những quy định trên, chúng ta thấy rằng, điểm mới quy định công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Điều 75 Luật Đất đai 2024 dưới góc tiếp cận quyền con người:
Thứ nhất, tăng cường minh bạch ở cấp địa phương, nơi quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Luật Đất đai 2024 đã mở rộng phạm vi công khai, theo đó, Luật quy định công khai quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo pháp luật về quy hoạch, đồng thời yêu cầu công khai kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, và kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện. So với Luật Đất đai 2013, phạm vi công khai đã được chi tiết hóa hơn, đặc biệt là việc bổ sung quy định về công khai kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện. Điều này giúp tăng cường minh bạch ở cấp địa phương, nơi quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Việc công khai kế hoạch sử dụng đất hằng năm ở cấp huyện giúp bảo vệ quyền lợi của người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, bằng cách tạo điều kiện cho họ tiếp cận thông tin sát thực tế hơn.
Thứ ba, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, đồng thời bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của người dân một cách thực chất hơn. Luật Đất đai 2024 yêu cầu công khai các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất ngay sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thay vì chỉ nhấn mạnh "nội dung" như Luật Đất đai năm 2013.
Quy định mới phản ánh cam kết bảo vệ quyền tiếp cận thông tin theo các tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quản lý công, giảm thiểu nguy cơ bất công trong phân bổ và sử dụng đất đai.
Thứ tư, việc xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm công bố thông tin quy hoạch sử dụng đất là một bước tiến quan trọng trong việc bảo đảm quyền tiếp cận quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo quy định tại khoản 3 Điều 75 Luật Đất đai 2024, trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được giao cho các cấp chính quyền và cơ quan chuyên trách, từ Bộ Tài nguyên và Môi trường đến Ủy ban nhân dân các cấp. Điều này thể hiện sự phân cấp rõ ràng nhằm đảm bảo tính kịp thời, minh bạch, và tiếp cận thông tin cho người dân ở mọi cấp độ. Việc xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm công bố thông tin quy hoạch sử dụng đất là một bước tiến quan trọng trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin. Đây là quyền cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Quy định mới tạo cơ hội để người dân tham gia giám sát quá trình quy hoạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hạn chế các hành vi lạm dụng quyền lực hoặc tham nhũng liên quan đến đất đai. Đặc biệt, quy định yêu cầu công khai thông tin tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, ngay cả đối với các nhóm yếu thế.
Thứ năm, thời điểm, thời hạn phải công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Căn cứ theo khoản 4 Điều 75 Luật Đất đai 2024 quy định về công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thời hạn phải công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được công bố công khai. Quy định này nhằm đảm bảo tính minh bạch và công khai trong việc triển khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giúp cộng đồng và các tổ chức, cá nhân liên quan có cơ hội tiếp cận thông tin kịp thời và tham gia vào quá trình giám sát, đánh giá. Việc quy định thời gian cụ thể này cũng giúp tăng cường hiệu quả quản lý đất đai, tránh tình trạng chậm trễ trong công tác công bố thông tin và tạo điều kiện cho các bên liên quan, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp, có đủ thời gian để nắm bắt và phản hồi về các dự án, kế hoạch sử dụng đất có ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
4. Gợi mở một số đề xuất giải pháp để đảm bảo tiếp cận quyền con người khi triển khai thực hiện công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Điều 75 Luật Đất đai 2024
Thứ nhất, nâng cao thực chất tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Xây dựng hệ thống công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trực tuyến, tạo lập Cổng thông tin điện tử quốc gia chuyên biệt cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giúp người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu các thông tin quy hoạch theo địa phương, tới từng thửa đất đất cụ thể. Song song đó, công khai bằng nhiều hình thức: ngoài cổng thông tin trực tuyến, cần công bố thông tin trên báo chí, bảng tin tại trụ sở cơ quan hành chính và tổ chức các buổi họp dân để phổ biến.
Thứ hai, tăng cường sự tham gia của người dân: Tổ chức tham vấn công khai thực chất trước khi thông qua quy hoạch, tổ chức các buổi tham vấn ý kiến người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế như nông dân, người dân tộc thiểu số. Bảo đảm phản hồi đầy đủ ý kiến như lập cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của người dân về các quy hoạch, kế hoạch.
Thứ ba, tạo hành lang thể chế và thực thi thể chế cơ chế giám sát hiệu quả. Tăng cường vai trò của cộng đồng và tổ chức xã hội giám sát độc lập quy trình lập và công khai quy hoạch.
Thứ tư, đảm bảo quyền lợi của người dân. Quy hoạch phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân bị thu hồi đất, với chính sách đền bù công bằng và minh bạch. Việc công khai quy hoạch không chỉ là một yêu cầu pháp lý, mà còn là biểu hiện cụ thể của việc thực hiện quyền con người trong lĩnh vực đất đai. Quyền này cho phép người dân tham gia vào các quyết định liên quan đến đất đai, giám sát chính sách và bảo vệ quyền lợi của mình.
Thứ năm, tăng cường truyền thông pháp luật, hỗ trợ pháp lý: Thành lập các trung tâm hỗ trợ pháp lý để giúp người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của họ khi quy hoạch được triển khai. Truyền thông pháp luật về quyền tiếp cận quy hoạch đất đai và cách thức yêu cầu thông tin.
Thứ sáu, thực thi nghiêm cơ chế bảo đảm tính pháp lý và xử lý vi phạm. Hoàn thiện khung pháp lý, theo đó, xây dựng các quy định chi tiết, rõ ràng hơn để hướng dẫn thực hiện Điều 75 Luật Đất đai 2024, với cơ chế xử lý vi phạm trong trường hợp thông tin không được công khai đầy đủ hoặc đúng hạn. Xử lý nghiêm vi phạm áp dụng biện pháp xử lý mạnh đối với các tổ chức, cá nhân cố tình không công khai hoặc công khai sai lệch thông tin quy hoạch.
Tóm lại, những giải pháp trên cần được thực hiện đồng bộ, kết hợp với sự giám sát chặt chẽ từ phía Nhà nước, xã hội và người dân để đảm bảo quyền con người được tôn trọng trong việc công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
5. Kết luận
Công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất theo Điều 75 Luật Đất đai 2024 đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc bảo đảm tính minh bạch, công bằng và trách nhiệm giải trình trong quản lý đất đai. Quy định này không chỉ khẳng định sự cam kết của Việt Nam đối với quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia, và quyền giám sát của người dân mà còn thúc đẩy sự hài hòa giữa lợi ích cộng đồng và quyền lợi cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất đai hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện vẫn đặt ra không ít thách thức. Từ việc đảm bảo tính kịp thời và chính xác của thông tin, nâng cao khả năng tiếp cận tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, đến việc xử lý các trường hợp vi phạm, tất cả đều đòi hỏi sự cải thiện trong cơ chế thực thi và phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Đồng thời, cần đẩy mạnh sự tham gia của người dân trong quá trình quy hoạch và xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.
Việc tiếp cận góc nhìn quyền con người không chỉ giúp làm rõ ý nghĩa của Điều 75 mà còn là cơ sở để đề xuất các giải pháp thực tiễn. Từ đó, hướng đến xây dựng một hệ thống quản lý đất đai công khai, minh bạch và công bằng hơn, khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quyền con người.
TS. Trần Văn Duy – Phó Chánh Văn phòng, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (2022), Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, Hà Nội.
2. Lan Hương (2024), Quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các loại quy hoạch khác: chưa thống nhất, đồng bộ, truy cập tại https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIII/Pages/danh-sach-ky-hop.aspx?ItemID=88358&CategoryId=0, truy cập lúc 12h ngày 10 tháng 12 năm 2024
3. Lê Gia Chinh (2023), Một số vấn đề cần hướng tới trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Luật Đất đai (sửa đổi), Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt II/2023, Hà Nội.
4. Quốc hội (2013), Luật Đất đai năm 2013, Hà Nội.
5. Quốc hội (2024), Luật Đất đai năm 2024, Hà Nội.
6. Tạp chí Công thương (2023), Một số kiến nghị hoàn thiện chính sách quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, truy cập qua link https://tapchitaichinh.vn/mot-so-kien-nghi-hoan-thien-chinh-sach-quy-hoach-ke-hoach-su-dung-dat-theo-quy-dinh-cua-luat-dat-dai-2013.html, truy cập lúc 15h ngày 20 tháng 10 năm 2024.