Sign In

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Bộ-ngành Tư pháp phải là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, hoàn thiện thể chế

09:22 18/12/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Đây là yêu cầu của đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ, ngành Tư pháp tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2025 vào ngày 17/12.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định vai trò quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Xây dựng, hoàn thiện thể chế luôn được Đảng xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược và dự thảo văn kiện tại Đại hội Đảng sắp tới cũng tiếp tục khẳng định điều này. Với tinh thần đó, từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã tổ chức 31 phiên họp chuyên đề chuyên biệt về xây dựng pháp luật; xem xét, cho ý kiến thông qua hơn 110 đề nghị xây dựng luật và dự án luật; trình Quốc hội cho ý kiến 52 dự án luật và thông qua 58 dự án, 18 dự thảo nghị quyết.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh một số nội dung chính trong Kết luận số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024 của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp. Cụ thể, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh giá hệ thống pháp luật được hình thành tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; lĩnh vực hành chính tư pháp ngày càng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thông qua các nền tảng số; tiếp tục xã hội hoá một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý được triển khai rộng rãi, với nhiều mô hình mới; đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.

Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cũng điểm lại các kết quả mà Bộ, ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2024. Trong đó, nổi bật là việc phát huy vai trò cơ quan thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, theo đó đã tham mưu, đề xuất việc một luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính, một luật sửa 4 luật về đầu tư; triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VneID; thi hành án dân sự đạt hiệu quả cao; tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế và xử lý các vấn đề còn tồn đọng…
Bên cạnh những kết quả trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác tham mưu, cho ý kiến; xây dựng thể chế; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Bộ, ngành.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, trong năm 2025, Đảng, Nhà nước đã đặt ra 3 nhiệm vụ chính. Đó là: chuẩn bị nội dung và nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp; thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng trên 7% để hoàn thành được mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra; sắp xếp, tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Bối cảnh đó đặt nhiều nhiều khó khăn, thách thức đối với tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Tư pháp. Đồng thời, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; củng cố xây dựng hệ thống pháp luật năng suất, chất lượng, khả thi; chi phí tuân thủ thấp và pháp luật phải đến được với người dân doanh nghiệp một cách thực chất.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện và trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế để nền hành chính không bị gián đoạn. 
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cũng đề nghị cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Đảng về phân cấp, phân quyền; đồng thời lưu ý về thời hạn trình, nội dung của 2 dự thảo Luật về tổ chức chính quyền. "Khối lượng công việc đồ sộ, cần xác định rõ đầu bài, việc gì khả thi, việc gì làm trước, việc gì làm sau để bảo đảm kịp thời gian, chất lượng", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Lãnh đạo Bộ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác chuyển đổi số -  phải xác định đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp. Bên cạnh đó thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy Bộ, ngành Tư pháp một cách hiệu quả, không cơ học, không để việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ bị gián đoạn; nâng cao nhận thức về giải quyết tranh chấp quốc tế. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị các cấp uỷ địa phương quan tâm phân công cấp uỷ viên phụ trách công tác tư pháp.
PV Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Anh Thư

Ý kiến

Bộ Pháp điển Việt Nam, công cụ tra cứu pháp luật hữu ích trong kỷ nguyên mới

Ngày 21/11, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và các đơn vị tổ chức Toạ đàm "Bộ pháp điển Việt Nam – Công cụ tra cứu pháp luật hữu ích trong Kỷ nguyên mới".

Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hệ thống pháp luật hoàn thiện là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hệ thống pháp luật hoàn thiện cũng là một trong những yếu tố thể hiện đặc trưng của Nhà nước pháp quyền. Đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn hiện nay, để quản lý xã hội, quản trị quốc gia tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, từ thực trạng hệ thống pháp luật hiện hành, việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Mục tiêu là xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức của Việt Nam trong bối cảnh kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, luôn xuất hiện cùng nhau, đan xen nhau. Việc nhận diện rõ những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đó có vai trò, ý nghĩa quan trọng, là cơ sở xây dựng những chiến lược đúng đắn ở tầm vĩ mô và đề xuất được những giải pháp cụ thể, mang tính hệ thống, khả thi để khắc phục khó khăn, tận dụng mọi thời cơ cho công cuộc phát triển đất nước nhanh, bền vững, vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.