Nhận diện các khía cạnh của quyền tự do kinh doanh
Quyền tự do kinh doanh được cụ thể qua nội dung:
- Quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh: Được chọn kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm, kinh doanh đơn ngành hoặc đa ngành; trong trường hợp những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì được phép tiến hành sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó.
- Quyền tự do lựa chọn mô hình và quy mô kinh doanh: Được tự do quyết định mức vốn đầu tư, nhưng phải đáp ứng quy định về vốn pháp định tối thiểu nếu kinh doanh một số ngành nghề nhất định như: kinh doanh vàng, dịch vụ tài chính, dịch vụ bảo vệ… Tùy thuộc vào số lượng người đầu tư, phương thức, cách thức huy động vốn đầu tư mà người dân có thể chọn một mô hình kinh doanh phù hợp như hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
- Quyền tự do lựa chọn hình thức, cách thức huy động vốn: Tự do quyết dịnh việc tăng vốn vay hay tăng vốn điều lệ; cách thức huy động vốn thông qua hợp đồng vay hay thông qua việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu,...
- Quyền tự do hợp đồng: Tự do lựa chọn khách hàng, tự do đàm phán, thỏa thuận, thống nhất các điều khoản của hợp đồng, tự do thỏa thuận hình thức hay nội dung của hợp đồng.
- Quyền tự do lựa chọn hình thức, cách thức giải quyết tranh chấp: Tự do quyết định cách thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng thương lượng, hòa giải, tòa án hay trọng tài.
- Quyền tự do cạnh tranh lành mạnh: Được pháp luật bảo vệ nếu có hành vi cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
2. Sự phát triển của chế định “quyền tự do kinh doanh”
(1) Hiến pháp đầu tiên của của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp năm 1946 chỉ ghi nhận quyền tư hữu tài sản. Toàn văn Hiến pháp không có điều nào quy định trực tiếp về quyền tự do kinh doanh và hoạt động của các thành phần kinh tế, nhưng tại Điều 12 có quy định về quyền tư hữu tài sản[3].
(2) Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980: Tự do kinh doanh và hoạt động của các thành phần kinh tế khác ngoài Nhà nước không được khuyến khích. Giai đoạn từ năm 1959-1986 (trước thời kỳ ĐỔI MỚI), nhà nước ta chủ trương phát triển nền kinh tế kế hoạch hoá, tập trung và chỉ có 2 thành phần cơ bản là kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể[4].
(3) Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) bước đầu ghi nhận quyền tự do kinh doanh.
Điều 57 quy định: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”; Điều 15 Hiến pháp năm 1992 quy định “Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng”.
- Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Việt Nam hiến định quyền tự do kinh doanh của công dân. Trước đó, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 tại Điều 1 cũng đã quy định “Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi có quyền thành lập doanh nghiệp tư nhân” và Điều 3 có quy định “Trong khuôn khổ pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tự do kinh doanh và chủ động trong mọi hoạt động kinh doanh”.[5] Luật Công ty năm 1990 cũng đã có quy định “trong khuôn khổ pháp luật, công ty có quyền tự do kinh doanh”.
- Mặc dù vậy, việc ghi nhận quyền tự do kinh doanh của công dân trong bản Hiến pháp năm 1992 vẫn còn hạn chế ở phạm vi quyền tự do kinh doanh, theo đó, các chủ thể chỉ được tự do kinh doanh trong các lĩnh vực mà pháp luật cho phép (tự do trong phạm vi đóng).
- Bên cạnh đó, một số quy định khác trong Hiến pháp năm 1992 cũng đã phần nào hạn chế quyền tự do kinh doanh. Ví dụ, Điều 19 quy định: “Kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển, nhất là trong những ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân” đã trở thành cơ sở pháp lý cho sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong một thời gian khá dài. Các doanh nghiệp nhà nước (kinh tế quốc doanh) do được xác định là “giữ vai trò chủ đạo”, nên, đã nhận được nhiều ưu đãi, nắm giữ phần lớn nguồn lực về vốn, đất đai, lao động của nền kinh tế.
(4) Hiến pháp năm 2013
- Quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp năm 2013 đã có một bước tiến mới, cởi mở với nguyên tắc: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33). Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 còn có quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Hàm ý chính sách ở đây có thể hiểu: MUỐN CẤM KINH DOANH CÁI GÌ THÌ NHÀ NƯỚC PHẢI QUY ĐỊNH BẰNG LUẬT.
- Hơn nữa, bước tiến quan trọng nhất của Hiến pháp 2013 là khẳng định các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau trong hoạt động, tạo bước đột phá mạnh mẽ hơn về quyền tự do kinh doanh và sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh giữa các thành phần kinh tế (Điều 32, 51, 53)[6]; có ý nghĩa khẳng định quyền tự do kinh doanh là một quyền hiến định và là quy định nền tảng cơ sở cho việc cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh trong các văn bản pháp luật có liên quan. Hiến pháp năm 2013 thể hiện sự ghi nhận, tôn trọng sự đa dạng hình thức sở hữu, bảo hộ quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, các quyền về tài sản và sở hữu trí tuệ.
2.2. Hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, quyền tự do kinh doanh đã được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật về dân sự, kinh doanh, thương mại, nhất là ở các văn bản luật gốc, có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp như Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật đất đai,… Chẳng hạn:
- Điều 50 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về quyền tự do kinh doanh như sau: “Quyền tự do kinh doanh của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền lựa chọn hình thức, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, lập doanh nghiệp, tự do giao kết hợp đồng, thuê lao động và các quyền khác phù hợp với quy định của pháp luật”.
- Hai đạo luật liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (từ phiên bản năm 2014 cho đến phiên bản năm 2020 và các lần chỉnh sửa tiếp theo) đều đã được xây dựng với cách tiếp cận về quyền tự do kinh doanh theo hướng đơn giản hóa điều kiện, thủ tục cấp phép, dỡ bỏ hàng loạt hạn chế, bất cập của quy định cũ, mở rộng các nhóm quyền tự quyết của doanh nghiệp[7]. Nếu so sánh với Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, thì có thể thấy rõ bước chuyển từ tư duy lập pháp “tự do trong phạm vi đóng - được làm những gì pháp luật cho phép” sang tư duy “mở - được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm”,[8] và các nhà lập pháp Việt Nam đã mất 23 năm.
- Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã bỏ tội danh kinh doanh trái phép. Nhà nước chủ trương tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự, tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Các đạo luật về cạnh tranh, giải quyết tranh chấp về dân sự, đầu tư, kinh doanh và xử lý vi phạm được hoàn thiện một bước quan trọng,[9] bảo đảm tốt hơn quyền khởi kiện của người dân, doanh nghiệp.[10] Pháp luật về giải quyết tranh chấp được thiết kế theo hướng đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp và đảm bảo sự tự do lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp của các bên có liên quan, đề cao việc thương lượng, hòa giải giữa các bên; đã thiết lập cơ chế để Toà án công nhận thoả thuận hoà giải thành cho những tranh chấp được giải quyết bằng con đường thương lượng, hòa giải.[11] Hoạt động luật sư, công chứng, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh, góp phần tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật, quản trị rủi ro pháp lý của người dân và doanh nghiệp.
Những quy định quan trọng nói trên tạo nền tảng của việc ghi nhận và bảo vệ QTDKD của các chủ thể trong nền kinh tế. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển của hoạt động kinh doanh - thương mại, góp phần vào sự hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN mà Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng.
- Đã thiết lập khung pháp lý đảm bảo quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh.
- Quy định pháp luật về quyền tự do kinh doanh ngày càng càng minh thị và hoàn thiện hơn. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã có nhiều cải cách theo hướng giảm thiểu rào cản kinh doanh. Bước đầu có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
- Tư duy lập pháp đã có sự thay đổi cơ bản, từ cách tiếp cận “tự do trong phạm vi đóng – chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” đã chuyển sang cách tiếp cận “mở - được làm những gì luật không cấm”.
- Việc giới hạn quyền tự do kinh doanh phải được quy định trong luật.
Những thay đổi trên đã dẫn đến những hiệu quả tích cực như môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và thông thoáng hơn; lĩnh vực kinh doanh có điều kiện ngày càng thu hẹp; nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh gây rào cản cho việc tiếp cận thị trường được rà soát, cắt giảm hoặc đơn giản hóa; bảo đảm tốt hơn quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề pháp luật không cấm. Từ đó, vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam được cải thiện rõ rệt[12]. Đồng thời, Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong gần 40 năm Đổi mới, với tốc độ tăng trưởng GDP cao, góp phần cải thiện đáng kể mức sống của người dân.
Một là, giữa “ghi nhận” quyền tự do kinh doanh và “bảo đảm thực thi” trên thực tế vẫn còn tồn tại khoảng cách.
Ví dụ
+ Quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh: Về lý thuyết, công dân được chọn kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, trên thực tế thi hành pháp luật, nguyên tắc này không phải khi nào cũng được thực thi. Chẳng hạn, mỗi khi trong xã hội xuất hiện ngành nghề kinh doanh mới (không quen thuộc với cơ quan quản lý nhà nước) thì người dân gặp khó khăn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Đa phần, các mô hình kinh doanh mới được đăng ký vào ngành Dịch vụ khác hoặc có thể sẽ không được đăng ký kinh doanh, ví dụ, các ngành nghề kinh doanh liên quan đến những ứng dụng của cuộc CMCN 4.0 như “tiền mã hóa”, “dịch vụ cho vay ngang hàng” ,… hiện nay vẫn chưa đăng ký kinh doanh được ở Việt Nam.
Nhìn sang các nước trong khu vực, ví dụ Singapore, từ tháng 5/2016, Văn phòng Quỹ Nghiên cứu quốc gia Singapore về Fintech được thành lập để phục vụ toàn diện cho mọi vấn đề liên quan đến Fintech, thúc đẩy Singapore trở thành trung tâm Fintech của khu vực và thế giới. Tháng 12/2016, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã ban hành Sandbox (Khung pháp lý thử nghiệm trong phạm vi hạn chế) cho phép các tổ chức tài chính cũng như phi tài chính được trải nghiệm các giải pháp Fintech trong môi trường thực tiễn có kiểm soát.[13] Ở Việt Nam, Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các Bộ/Ban/Ngành xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình KTCS, trong đó có nhiệm vụ xây dựng trình Chính phủ ban hành Sandbox cho các ngành nghề kinh doanh mới trong nền KTCS. Tuy nhiên, hiện nay, Sandbox do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo (Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong hoạt động ngân hàng) vẫn đang trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định.
+ Quyền tự do lựa chọn hình thức, cách thức huy động vốn: Về lý thuyết, cá nhân kinh doanh hay doanh nghiệp được tự do, chủ động quyết dịnh việc tăng vốn vay hay tăng vốn điều lệ; cách thức tăng vốn vay thông qua hợp đồng hay thông qua việc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, trên thực tế các hình thức gọi vốn thông qua việc phát hành đồng tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số hiện vẫn chưa được công nhận ở Việt Nam. Trong khi đó, một công ty khởi nghiệp sáng tạo nếu muốn huy động vốn qua các kênh thông thường, ví dụ, vay vốn ngân hàng sẽ rất khó thực hiện được. Vì vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể cân nhắc các phương thức huy động vốn từ các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, hay gọi vốn qua phát hành tiền điện tử (ICO), qua sàn giao dịch (IEO), qua phát hành các dịch vụ mã thông báo chứng khoán (STO),… Nếu như trong hoạt động chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng - IPO (hoạt động thường được đem ra so sánh với ICO), công ty sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và các nhà đầu tư sẽ được quyền sở hữu cổ phiếu của công ty, thì trong ICO nhà đầu tư sẽ nhận về đồng tiền kỹ thuật số được phát hành dựa trên ứng dụng blockchain. Đồng tiền kỹ thuật số (hay còn gọi là tiền mã hóa) này cũng chính là loại tiền tệ được sử dụng trong dự án mà nhà đầu tư tài trợ, đồng thời nó còn có thể được giao dịch như một loại tài sản đầu cơ mà nhà đầu tư thường hi vọng đồng tiền số sẽ tăng giá khi dự án thành công. Điểm khác biệt lớn thứ hai giữa ICO và IPO là trong khi IPO chịu sự kiểm soát tương đối chặt chẽ của Ủy ban chứng khoán thì sự kiểm soát dành cho ICO lại “lỏng lẻo” hơn[14]. Nếu trước khi IPO công ty phải công bố bản cáo bạch đã được kiểm toán thì các nhà phát hành trong ICO chỉ cần đưa ra “white paper” - bản báo cáo miêu tả tham vọng phát triển của dự án.[15]
+ Quyền tự do lựa chọn hình thức, cách thức giải quyết tranh chấp: Các hình thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án hay giải quyết tranh chấp online chưa thực sự phổ biến và thông dụng tại Việt Nam (một số doanh nghiệp FDI nếu có tranh chấp mà lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì lại lựa chọn trung tâm trọng tài quốc tế HongKong, Singapore).
Hai là, tư duy “quản không được thì cấm” hoặc “chưa hiểu rõ mà vẫn quản” gây cản trở việc thực thi quyền tự do kinh doanh. Ví dụ, quy định về thanh toán không dùng tiền mặt hiện vẫn chưa thừa nhận bitcoin và các loại tiền mã hóa là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam[16]. Trên thực tế, các hoạt động đầu tư, giao dịch, và huy động vốn bằng tiền ảo vẫn đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, mặc dù chưa có khung pháp lý điều chỉnh. Những hoạt động đầu tư này hoàn toàn nằm ngoài sự quản lý của cơ quan nhà nước. Điều này dẫn đến tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng lỗ hổng về pháp lý, tính phức tạp về công nghệ và sự thiếu hiểu biết của công chúng để huy động vốn trái phép hoặc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và làm phức tạp thêm tình hình kinh tế - xã hội. Khi hàng loạt câu hỏi về việc khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư, kinh doanh, quản lý tiền mã hóa… vẫn còn bỏ ngỏ ở Việt Nam như hiện nay thì đây chính là mảnh đất màu mỡ để “rủi ro” len lỏi khắp ngõ ngách trong cuộc sống. Khoảng trống của pháp luật đã tạo ra “đất” để một số loại tội phạm thực hiện các giao dịch phi pháp... qua các hình thức kinh doanh, gọi vốn, mua bán tiền mã hóa trá hình mà một số vụ đổ bể “tiền ảo” gây chấn động vừa qua là một ví dụ.[17]
Ba là, còn tồn tại tư duy ngành, lĩnh vực trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền tự do kinh doanh. Chẳng hạn như, pháp luật dân sự, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đã có những quy định để bảo vệ bên yếu thế trong giao kết hợp đồng như quy định về hợp đồng mẫu, yêu cầu đăng ký hợp đồng mẫu. Tuy nhiên, có thể một số ngành đã và đang cố gắng đưa loại hợp đồng thuộc lĩnh vực của ngành mình ra khỏi danh mục hợp đồng mẫu.
Bốn là, tính cạnh tranh của thể chế pháp luật về quyền tự do kinh doanh chưa cao; phản ứng chính sách còn chưa nhanh nhạy, chưa bắt kịp với những biến động của kinh tế thị trường, nhất là trong việc ứng dụng các mô hình kinh doanh mới, cũng như việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới của CMCN 4.0, chưa tạo được khung pháp lý tin cậy cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Đâu đó, vẫn còn tình trạng can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh.
Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với các thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ phát triển nhanh chóng, bao gồm:
Năm là, hạn chế về thực thi quyền tự do kinh doanh cũng phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. HIện tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP chưa được khai thác hết tiềm năng do nhiều rào cản thể chế. Hiện nước ta có khoảng 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu[18]. Tuy nhiên, những con số trên vẫn chưa thể hiện hết tiềm lực của khu vực kinh tế tư nhân. Hiện vẫn tồn tại sự không bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực của quốc gia để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Cải cách thủ tục hành chính tuy đã có cải thiện so với giai đoạn trước, tuy nhiên, vẫn còn hạn chế, vướng mắc, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Việc triển khai, thực hiện khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, phù hợp với cơ chế thị trường và thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh vẫn còn không ít hạn chế. Khung pháp luật, chính sách, đặc biệt là cơ chế chính sách về khuyến khích,
hỗ trợ vẫn chưa đồng bộ, còn có sự chồng chéo; việc triển khai trên thực tiễn còn không ít những bất cập, dẫn đến hiệu quả còn rất hạn chế. Nhiều quy định, chính sách vẫn chưa theo kịp với thực tế, chưa thực sự phù hợp với cơ chế thị trường. Vẫn còn tình trạng “biến tướng” trong quy định điều kiện kinh doanh, một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, cần bãi bỏ vẫn tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Một số điều kiện kinh doanh chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi, ngay sau khi ban hành đã phải xem xét, điều chỉnh.
4. Một số định hướng thể chế hóa quyền tự do kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Định hướng chung
- Pháp luật về quyền tự do kinh doanh phải được hoàn thiện và được tổ chức thực hiện nghiêm minh để tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, an toàn cho các hoạt động đầu tư kinh doanh. Theo đó, bảo đảm các luật thể chế hóa đúng tinh thần: quyền tự do kinh doanh là nguyên tắc hiến định, chỉ bị hạn chế trong các trường hợp cần thiết vì lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự, đạo đức xã hội.
- Thể chế phải có phải có tính cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Cần đồng bộ giữa ghi nhận quyền và đảm bảo thực thi quyền, tránh tình trạng pháp luật ghi nhận quyền nhưng yếu về mặt đảm bảo cho các chủ thể thực thi quyền.
- Tư duy lập pháp “mở’ và “linh động” để các “nhà làm chính sách”, các nhà lập pháp cùng “đồng hành” cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đối với những vấn đề “quản không được” hoặc chưa hiểu rõ thì cần thiết kế khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox).
Gợi ý một số giải pháp cụ thể:
Cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh:
- Tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp.
- Rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm rào cản gia nhập thị trường.
- Tăng cường kiểm soát hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm tránh chồng chéo, gây cản trở hoạt động kinh doanh.
- Có cơ chế phản ứng chính sách kịp thời đối với những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân, nhất là những vướng mắc liên quan đến “điểm nghẽn thể chế” cần được xử lý nhanh chóng và thỏa đáng.
Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp
Hoàn thiện khung pháp lý cho một số loại tài sản phi truyền thống như: tài sản số, dữ liệu, tài sản do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, tín chỉ cacbon, không gian ngầm, …
Chẳng hạn, trong lĩnh vực tài sản số: hoàn thiện pháp luật theo hướng thừa nhận “tiền kỹ thuật số” hay “tiền mã hóa”, “tài sản mã hóa”, … là tài sản, có thể thí điểm cho thử nghiệm thanh toán trong một số lĩnh vực[20].
Hỗ trợ và khuyến khích đổi mới sáng tạo, áp dụng cơ chế pháp lý “đặc biệt” với những ưu đãi “vượt trội” cho một số lĩnh vực như: kinh tế số, đổi mới sáng tạo (công nghệ tài chính - fintech, trí tuệ nhân tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, thành phố thông minh …). Phát triển hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hình thành một số “đặc khu kinh tế”, “khu vực nghiên cứu phát triển (R&D) đặc biệt” với cơ chế pháp lý “đặc biệt”.
Về cơ chế pháp lý “đặc biệt” với những ưu đãi “vượt trội”:
Xây dựng và áp dụng sandbox triển khai và ứng dụng các công nghệ mới, cho phép thử nghiệm các hoạt động kinh doanh sáng tạo trong phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lí để đánh giá, kiểm nghiệm và điều chỉnh trước khi trở thành chính sách chung. Điều này bao gồm nới lỏng các điều kiện kinh doanh truyền thống và quy định quản lí nhằm hạ thấp các rào cản gia nhập thị trường và rào cản đối với các start-up, giúp các doanh nghiệp có thể hoạt động thử nghiệm và dần dần hoàn thiện công nghệ cũng như đáp ứng các yêu cầu quản lí. Việt Nam đang trên đà chuyển đổi số và việc áp dụng sandbox là một bước đi quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Sandbox không chỉ giúp các doanh nghiệp thử nghiệm các ý tưởng mới mà còn thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để phát huy tối đa hiệu quả của sandbox, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lí, cộng đồng khởi nghiệp và các nhà đầu tư. Việc xây dựng một cơ sở dữ liệu về sandbox, tổ chức các diễn đàn, hội thảo và hỗ trợ các startup tiếp cận nguồn lực là những giải pháp cần thiết để hoàn thiện cơ chế này. Trong bối cảnh khung pháp lý thường đi sau thực tế, việc cho áp dụng sandbox chính là phản ứng chính sách/cách ứng xử của cơ quan nhà nước đối với những công nghệ mới.[21]
KẾT LUẬN
Quyền tự do kinh doanh là một trong những quyền cơ bản của con người, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, yêu cầu về một khung pháp lý linh hoạt, minh bạch để bảo đảm quyền tự do kinh doanh ngày càng trở nên cấp thiết. Đồng thời, thế giới hiện nay đang trải qua những biến động chưa từng có trong lịch sử - một thời đại VUCA với sự biến động (Volatility), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity). Trong bối cảnh này, việc hoàn thiện thể chế nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh sẽ là chìa khóa để Việt Nam tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức.