Tiên phong, gương mẫu đi đầu, ngay từ khi còn đang giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm (nay là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm) đã cùng Đảng ủy Công an Trung ương, tập thể lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quyết liệt trong việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với Bộ Công an, một số bộ, ngành, địa phương khác cũng rất tích cực thực hiện nhiệm vụ này và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận…
Những bộ, ngành đi đầu trong việc tổ chức, sắp xếp lại hiệu quả bộ máy
Mô hình tổng thể của tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ở Việt Nam gồm 3 khối: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo Quyết định 72-QĐ/TW ban hành ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị- xã hội ở trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc trung ương giai đoạn 2022-2026, tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức là 1.979.433 biên chế, trong đó:
Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các đảng ủy khối trực thuộc Trung ương là 6.285 biên chế (gồm 3.335 cán bộ, công chức và 2.950 viên chức).
Các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện) là 64.266 biên chế (gồm 55.949 cán bộ, công chức; 6.959 viên chức và 1.358 biên chế công đoàn tạm giao).
Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt coi trọng nhiệm vụ tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đặc biệt, trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay khi đất nước ta đang đứng trước cơ hội rất lớn bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hơn bao giờ hết, nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cần được cấp bách thực hiện.
Qua nhiều kỳ đại hội, nhất là trong các đại hội gần đây, trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy.
Cùng với đó, Đảng ta cũng ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến vấn đề này, như: Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6, thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, đứng đầu là Đại tướng Tô Lâm khi còn đang giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an (nay là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm) đã báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương, định hướng xây dựng Đề án “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Đề án số 106).
Sau khi Đề án số 106 được thông qua, Đảng ủy Công an Trung ương đã tiếp tục tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng cho việc xây dựng, tổ chức bộ máy của lực lượng Công an tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tăng cường lực lượng cho cơ sở theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, là căn cứ để Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW và Nghị định số 01/2018/NĐ-CP, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tiến hành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong toàn lực lượng theo mô hình hoạt động mới.
Kết quả, tại Bộ Công an, đã giải thể 6 tổng cục, giảm 55 đơn vị cấp cục và 287 đơn vị cấp phòng; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại công an địa phương, sáp nhập 20 Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức thành một đầu mối đơn vị cấp phòng thuộc công an cấp tỉnh; sáp nhập một số đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ... qua đó đã giảm 532 đơn vị cấp phòng, giảm trên 1.000 đầu mối cấp đội…
Sinh thời, khi dự hội nghị sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả do Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức (ngày 4/12/2019), cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, lực lượng Công an nhân dân thực hiện mô hình tổ chức mới đã mang lại hiệu quả rõ rệt các mặt công tác, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đã nắm bắt vấn đề sâu hơn, kỹ hơn, toàn diện hơn, chỉ đạo kịp thời hơn…
Cùng với Bộ Công an, nhiều bộ, ngành cũng đã rất quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã ban hành 27 Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các bộ, ngành đã giảm được 17 tổng cục và tương đương; giảm 10 cục và 144 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong vụ/ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường cắt giảm được 4 tổng cục; Bộ Nội vụ cắt giảm 2 cơ quan tương đương tổng cục; Bộ Giao thông vận tải cũng xóa bỏ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tách thành 2 cục; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chuyển 4 tổng cục thành cấp cục; Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển 1 tổng cục và 1 đơn vị tương đương cấp tổng cục thành cấp cục; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuyển 2 tổng cục và 1 đơn vị tương đương cấp tổng cục thành cấp cục; Bộ Y tế sắp xếp 1 đơn vị cấp Tổng cục thành cấp cục.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến hết năm 2023, đã giảm được 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2023 giảm 236 đơn vị), còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng với đó, số đối tượng tinh giản biên chế năm 2023 là 7.151 người.
Việc tổ chức, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đạt nhiều kết quả tích cực
Cũng theo Quyết định 72-QĐ/TW, chính quyền địa phương (gồm UBND và HĐND) cấp tỉnh trở xuống, đơn vị sự nghiệp công lập, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở địa phương; cán bộ, công chức cấp xã là 1.908.882 biên chế, trong đó gồm: 140.826 cán bộ, công chức và 1.562.485 viên chức.
Đây là số lượng biên chế không nhỏ ở cấp địa phương trong phạm vi toàn quốc. Vì vậy, cùng với việc tổ chức, sắp xếp, tinh giản biên chế ở các cơ quan trung ương, việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã nếu được triển khai quyết liệt, hiệu quả cũng sẽ giúp toàn hệ thống chính trị tinh giản được một số lượng biên chế không nhỏ.
Cụ thể, cùng với các bộ, ngành làm tốt việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, Nam Định là một trong ba tỉnh đầu tiên trên toàn quốc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Tỉnh Nam Định là địa phương có số lượng ĐVHC sắp xếp, sáp nhập lớn, với 2 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định; 77 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp, gồm 55 xã, 17 phường, 5 thị trấn.
Sau sắp xếp, tỉnh Nam Định có 9 ĐVHC cấp huyện, gồm 1 thành phố và 8 huyện; 175 ĐVHC cấp xã, gồm 146 xã, 14 phường và 15 thị trấn; dôi dư 56 cán bộ, công chức cấp huyện và 1.060 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Với nỗ lực, quyết tâm rất lớn, tỉnh Nam định đã sớm hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Từ ngày 1/9/2024, các ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp của tỉnh này đã đi vào hoạt động, bảo đảm duy trì hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy trong hệ thống chính trị…
Cùng với đó, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tính đến năm 2023, các địa phương đã giảm được 13 Sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 21 tỉnh, thành phố giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đó, sau sắp xếp, sẽ giảm 6/18 ĐVHC cấp huyện và giảm 233/487 ĐVHC cấp xã. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng là địa phương có số ĐVHC cấp huyện giảm nhiều nhất (2 huyện); Hải Phòng có số ĐVHC cấp xã giảm nhiều nhất (50 xã), tiếp theo là tỉnh Nghệ An giảm 48 xã, tỉnh Hải Dương giảm 28 xã...
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, tính đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua 37 Nghị quyết về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 37 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2023 – 2025.
Qua đó, đã thực hiện sắp xếp đối với 25 ĐVHC cấp huyện, 756 ĐVHC cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025; giảm được 7 ĐVHC cấp huyện, 373 ĐVHC cấp xã.
Tiếp đó, gần đây nhất, sáng 14/11/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua 12 Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của các tỉnh, thành phố.
Theo đề nghị của Chính phủ, trong giai đoạn 2023 - 2025, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tại 12 tỉnh, thành phố được thể hiện trong 15 Đề án cụ thể.
Sau sắp xếp, 12 tỉnh, thành phố nêu trên dự kiến giảm được 1/6 ĐVHC cấp huyện (chiếm 16,66 % tổng số ĐVHC cấp huyện tham gia sắp xếp) và 161/361 ĐVHC cấp xã (chiếm 44,60% tổng số ĐVHC cấp xã tham gia sắp xếp), trong đó giảm nhiều nhất là thành phố Hà Nội (53/109 đơn vị), tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh (39/80 đơn vị), tỉnh Phú Thọ (18/31 đơn vị)…
Như vậy, dưới đường lối lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, cả hệ thống chính trị đổi mới, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị và bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, công tác này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Trong bài viết “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” mới đây, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể… Chính vì vậy, cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…