Ngày 07/11/2024, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và phương hướng thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp nhân dịp kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam. Tham dự buổi làm việc với đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm có các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương. Trang Pháp luật trong Kỷ nguyên mới của Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp trân trọng giới thiệu toàn văn kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp báo cáo kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, phương hướng đến hết nhiệm kỳ và ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các cơ quan, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm kết luận như sau:
1. Trong gần 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã giành nhiều thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đời sống xã hội của người dân không ngừng được nâng cao về vật chất và tinh thần. Nước ta đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước. Nhiều lĩnh vực trước đây chỉ do cơ quan nhà nước thực hiện, đến nay từng bước được xã hội hoá, bảo đảm quyền của người dân được tham gia vào quá trình quản lý xã hội, làm chủ xã hội; lĩnh vực hành chính tư pháp ngày càng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thông qua các nền tảng số. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý được triển khai rộng rãi, với nhiều phương thức đa dạng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho Nhân dân và tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội. Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện tư duy, nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đóng góp trong việc ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005, Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
2. Bên cạnh kết quả tích cực, công tác hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật vẫn còn tồn tại, hạn chế; cụ thể: (i) Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao. (ii) Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, có quy định chưa rõ ràng, rườm rà, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân. Việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm, vẫn tập trung nhiều ở Trung ương; việc cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính còn hạn chế. Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; chưa có cơ chế hữu hiệu để nhận diện và phản ứng chính sách kịp thời. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao, việc giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập. Việc nghiên cứu, ban hành chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh đối với những vấn đề mới còn chậm, chưa tạo khung khổ pháp lý thúc đẩy được các động lực tăng trưởng mới. (iii) Dấu hiệu bị tác động, "lợi ích nhóm" trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật là đáng lo ngại, gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển.
3. Từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta đều xác định đột phá về thể chế, với trọng tâm pháp luật là đột phá chiến lược, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt cơ hội, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, chăm lo cho Nhân dân. Để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn nóng bỏng đang đòi hỏi ở tầm cao mới, thật sự tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt một số nội dung sau đây:
3.1. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, trong đó:
- Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, tuyệt đối không luật hoá các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Mục tiêu của các quy định pháp luật là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; duy trì, bảo đảm trật tự xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm công bằng, bình đẳng, thích ứng với sự phát triển của xã hội; minh bạch, dễ tiếp cận; mang tính hệ thống và chặt chẽ; góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hoà, phát triển.
- Việc xây dựng Chương trình xây dựng pháp luật hằng năm cần bám sát 2 yêu cầu: (i) Phải trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam và thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng. Chương trình phải phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát, giải quyết vấn đề thực tiễn; tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; thể chế hoá kịp thời những chủ trương mới của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. (ii) Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…); từ đó, hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới. Xây dựng cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước.
- Trong xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia.
- Đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật với 3 bảo đảm: (i) Bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao "năng suất và chất lượng" xây dựng pháp luật. (ii) Bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất. (iii) Bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách và các quy định pháp luật.
Phân định rõ khâu xây dựng chính sách và quy phạm hoá chính sách; chính sách phải cụ thể, rõ ràng; các hoạt động tổng kết, khảo sát thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, thu thập thông tin, đánh giá tác động chính sách, lựa chọn chính sách cần thực hiện kỹ lưỡng, nghiêm túc. Nghiên cứu việc tổ chức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, thống nhất. Quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, nhất là người đứng đầu trong từng khâu của quá trình soạn thảo, thẩm định, trình, thẩm tra, xây dựng chính sách và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp khẩn trương tham mưu với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hoá các tư duy, quan điểm mới trong xây dựng pháp luật.
3.2. Phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng, thi hành pháp luật; tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách tối đa thủ tục hành chính. Phải coi việc lãnh đạo thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và lãnh đạo công tác thi hành pháp luật để bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp uỷ, tổ chức đảng, của mỗi đảng viên, trước hết là cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên trong Bộ, ngành Tư pháp. Quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị phải bảo đảm phân cấp, phân quyền tối đa. Triệt để cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
3.3. Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, cụ thể: (i) Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tập trung xây dựng văn hoá tuân thủ pháp luật, trước hết là trong cán bộ, đảng viên và cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp. (ii) Thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và xây dựng cơ chế hữu hiệu để chủ động phát hiện, tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. (iii) Hoàn thiện quy định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo hướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật. (iv) Đề cao hơn nữa trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư; bảo đảm công chứng, hoà giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp phải thiết thực, hiệu quả, vì lợi ích cao nhất của đất nước, của người dân. Phát huy vai trò của trợ giúp pháp lý trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
3.4. Phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Thường xuyên sàng lọc, thay thế, chuyển đổi vị trí công việc đối với những cán bộ, công chức tham mưu xây dựng pháp luật có biểu hiện động cơ không trong sáng, có dấu hiệu gây khó khăn, cản trở. Tăng nguồn lực đầu tư, có cơ chế tài chính đặc thù cho công tác nghiên cứu chính sách, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ngày càng cao trong kỷ nguyên mới; hiện đại hoá môi trường và điều kiện làm việc để đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu xây dựng pháp luật yên tâm công tác, tận tuỵ cống hiến cho sự nghiệp chung. Có cơ chế phù hợp thu hút nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng pháp luật. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.
3.5. Nâng cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong tham gia xây dựng thể chế và pháp luật quốc tế, nâng cao trách nhiệm phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, xử lý hiệu quả các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, kịp thời bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước Việt Nam.
4. Về các kiến nghị, đề xuất của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, thống nhất đưa vào Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 nội dung nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về "Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới"; nhất trí về chủ trương cần quan tâm, đầu tư thích đáng, có cơ chế tài chính đặc thù cho công tác pháp luật và chuyển đổi số trong lĩnh vực này; có chế độ, chính sách phù hợp cho cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao và có cơ chế điều động, luân chuyển cán bộ, công chức của Bộ, ngành Tư pháp đi địa phương để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn. Các cấp uỷ địa phương quan tâm phân công cấp uỷ viên phụ trách công tác tư pháp và cơ cấu Giám đốc Sở Tư pháp tham gia cấp uỷ cấp tỉnh. Giao Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị, đề xuất của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp.
Văn phòng Trung ương Đảng xin thông báo để Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp và các cấp uỷ, tổ chức đảng có liên quan biết, thực hiện.