Sign In

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Dự kiến hoàn thành sáp nhập tỉnh trước 30/8

22:00 18/03/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, sẽ tập trung hoàn thiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 30/8 và vận hành đơn vị hành chính cấp tỉnh từ ngày 1/9. Nội dung này được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, diễn ra ngày 18/3.


Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết đối với các bộ và cơ quan ngang bộ, hiện nay chỉ còn 17 bộ và cơ quan ngang bộ, đã giảm được 5 bộ và 3 cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời, tổ chức bên trong của các bộ và cơ quan ngang bộ đã được tinh gọn đáng kể.

Cụ thể, đã giảm 13/13 tổng cục và tương đương, đạt tỉ lệ 100%; giảm 519 cục và tổ chức tương đương (giảm khoảng 77,6%); giảm 219 vụ và tương đương (giảm 54,9%); giảm 3.303 chi cục và tương đương (giảm khoảng 91,7%).

Đối với các địa phương, theo chỉ đạo chung của Chính phủ, 63 tỉnh và thành phố đã giảm 343 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đạt tỉ lệ 29%, cùng với 1.454 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (giảm 17,5%).

Tại phiên họp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh yêu cầu tập trung triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, khẩn trương, hiệu quả.

"Dự kiến, chúng ta sẽ hoàn thành toàn bộ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30/6 để đến ngày 1/7, các đơn vị hành chính cấp xã được vận hành theo tổ chức mới. Chúng ta cũng sẽ tập trung hoàn thiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 30/8 để có thể thực hiện được ngay việc vận hành đơn vị hành chính cấp tỉnh bắt đầu từ ngày 1/9", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin.

Bộ trưởng cũng cho biết quy trình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đang được triển khai rất khẩn trương với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng".

Đây là yêu cầu đáp ứng chỉ đạo chung của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, là một nhiệm vụ hết sức hệ trọng và cấp bách. Do đó, Bộ Nội vụ rất mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ tất cả các bộ, ngành liên quan để kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ quan trọng này một cách hiệu quả.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng đề cập đến việc tăng cường thực thi pháp luật, kỷ cương hành chính; tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả các cơ chế, chính sách mới trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

"Tới đây, sẽ sửa Luật cán bộ, Công chức để nâng cao công tác quản lý, đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu liên thông của đội ngũ cán bộ công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh trở lên", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.

Thanh Hà

tn

Ý kiến

Hiệu quả sự đột phá tư duy lập pháp

Hiệu quả sự đột phá tư duy lập pháp

“Cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy đã và đang đặt ra khối lượng công việc khổng lồ về sửa đổi, hoàn thiện luật pháp. Thực tế, thể chế vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.
Phát huy tính đảng trong xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật góp phần quan trọng đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy tính đảng trong xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật góp phần quan trọng đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

PGS.TS Tào Thị Quyên - Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, trong tổng thể đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, việc đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự vận hành của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng và thi hành pháp luật: Nền tảng cho một xã hội kỷ cương, minh bạch, công bằng và phát triển

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trong kỷ nguyên mới, việc đổi mới công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức là yêu cầu tất yếu để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống pháp luật cần phải đổi mới mạnh mẽ để trở thành nền tảng cho một xã hội kỷ cương, minh bạch, công bằng và phát triển.