Sign In

Sửa Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật: Quán triệt quan điểm đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

09:37 18/12/2024

Chọn cỡ chữ A a  

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các mục tiêu cải cách pháp luật, tuy nhiên sau hơn 8 năm thi hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Vì vậy, nhiều ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi Luật theo quy trình 1 kỳ họp là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, quán triệt quan điểm đổi mới xây dựng pháp luật, đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Ngày 22/6/2015, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Ban hành VBQPPL. Tiếp đó, ngày 18/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL. Luật Ban hành VBQPPL với nhiều quy định mới mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các mục tiêu cải cách pháp luật: đổi mới quy trình xây dựng VBQPPL nhằm nâng cao chất lượng văn bản, bổ sung quy trình xây dựng chính sách trước khi soạn thảo VBQPPL... Tuy nhiên, đến nay, Luật đã có nhiều nội dung, quy định không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Vì vậy, đặt ra yêu cầu sửa đổi toàn diện Luật Ban hành VBQPPL đáp ứng nhanh, kịp thời với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) để thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TW, Quy định số 178-QĐ/TW, chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu mới đặt ra đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tháo gỡ các điểm nghẽn trong xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Dự kiến, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) với 03 chính sách trọng tâm. Trong đó, có nội dung về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời phản ứng chính sách; xác định rõ và tăng cường vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về nội dung này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL theo quy trình 1 kỳ họp là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, quán triệt quan điểm đổi mới xây dựng pháp luật, đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên 

Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho rằng 03 chính sách trong đề nghị xấy dựng Luật cơ bản phù hợp với dự kiến định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật trong dự thảo Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.
Tuy nhiên, cần lưu ý, chỉ ban hành nghị định để thí điểm vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ và không trái với luật, xác định rõ về nội dung, phạm vi thí điểm để phân định rõ với nghị quyết thí điểm do Quốc hội ban hành. Đồng thời, cân nhắc, chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc trong Luật và giao văn bản dưới luật quy định chi tiết vì một số nội dung đề xuất thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, các Bộ, ngành.
Về thứ tự ưu tiên và thời điểm trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho rằng, nếu các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật phù hợp với các định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật được Bộ Chính trị thông qua và dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, đạt yêu cầu đề ra thì có thể trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 như đề xuất của Chính phủ.
 
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhất trí với đề xuất của Chính phủ, bổ sung dự án Luật Ban hành VBQPPL vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2025; trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp. “Đây là dự án luật lớn, quan trọng và cấp bách. Với hồ sơ dự án luật đầy đủ, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và trong bối cảnh hiện nay phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, việc bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp là hoàn toàn phù hợp nhằm đảm bảo việc triển khai đồng bộ...”, đại biểu nhấn mạnh.
Cơ bản tán thành với 3 chính sách được đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật, đại biểu cho rằng, các chính sách đã được Chính phủ giải trình, thuyết minh tương đối rõ ràng, đầy đủ và thuyết phục. Đây là 3 chính sách trọng tâm, rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, phản ứng nhanh, kịp thời với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cũng lưu ý, trong quá trình xây dựng dự án Luật, đề nghị Chính phủ phải bám sát vào Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; tiến hành đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng đối với các chính sách mới bổ sung theo đúng quy định;...
 
Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Nêu quan điểm, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, Luật Ban hành VBQPPL  là "luật làm luật", do đó cần rất chú trọng tới đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, cần đánh giá sản phẩm đầu ra có đảm bảo chất lượng; xem xét kỹ nội dung nào thật cần thiết mới đề xuất bổ sung, sửa đổi lần này đồng thời, loại bỏ những nội dung không còn phù hợp, không cần thiết để giảm bớt thủ tục trình.
Cũng theo đại biểu tỉnh Khánh Hòa, trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần có quy trình nhanh, gọn để đáp ứng nhạnh, kịp thời với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; thể chế hóa ngay chủ trương, đường lối của Đảng. Do đó, cùng với quy trình thông thường, quy trình theo thủ tục rút gọn cần nghiên cứu quy trình, thủ tục đặc biệt.
Ngoài ra, trên cơ sở phân tích những vấn đề bất cập hiện nay liên quan tới hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương, đại biểu cũng đề nghị, cần lưu ý nội dung này để đưa ra những quy định phù hợp, đảm bảo hiệu quả, khả thi trong luật sửa đổi.
Cho rằng, cần dành sự ưu tiên cho việc sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL đại biểu Lê Xuân Thân kiến nghị cần tiến hành ngay, chuẩn bị thật tốt, kỹ lưỡng, chu đáo để đảm bảo chất lượng, yêu cầu đề ra có thể thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.

tn

Ý kiến

Bộ Pháp điển Việt Nam, công cụ tra cứu pháp luật hữu ích trong kỷ nguyên mới

Ngày 21/11, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và các đơn vị tổ chức Toạ đàm "Bộ pháp điển Việt Nam – Công cụ tra cứu pháp luật hữu ích trong Kỷ nguyên mới".

Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Hệ thống pháp luật hoàn thiện là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hệ thống pháp luật hoàn thiện cũng là một trong những yếu tố thể hiện đặc trưng của Nhà nước pháp quyền. Đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn hiện nay, để quản lý xã hội, quản trị quốc gia tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, từ thực trạng hệ thống pháp luật hiện hành, việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Mục tiêu là xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức của Việt Nam trong bối cảnh kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, luôn xuất hiện cùng nhau, đan xen nhau. Việc nhận diện rõ những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đó có vai trò, ý nghĩa quan trọng, là cơ sở xây dựng những chiến lược đúng đắn ở tầm vĩ mô và đề xuất được những giải pháp cụ thể, mang tính hệ thống, khả thi để khắc phục khó khăn, tận dụng mọi thời cơ cho công cuộc phát triển đất nước nhanh, bền vững, vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.